Vì sao nhà đầu tư vẫn thờ ơ khi vàng trên đỉnh lịch sử

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 15%. Giá vàng thế giới cũng đã tăng 18% kể từ đầu năm nay.

Hơn 1 tuần nay, giá vàng có lúc tăng lên sát mốc 51 triệu đồng/lượng và sau đó đã giảm chút ít nhưng vẫn giữ mức cao nhất từ trước đến nay nhưng anh Lê Bá Tuyên ở phố Lĩnh Nam, Hà Nội cũng chỉ dám quan sát thị trường mà không dám tham gia mua, bán. Bởi gần 10 năm trước, anh Tuyên ôm một khoản tiền lớn đi mua 20 lượng vàng với giá 49 triệu đồng/lượng. Ngay sau đó vài hôm, vàng rớt giá mạnh, anh Tuyên hy vọng vàng lên giá để bán thu hồi vốn nhưng chờ đến 3 năm sau anh chỉ thu về 37 triệu đồng/lượng. Vụ đầu tư này đến giờ vẫn là bài học đắt giá với anh Tuyên.

* Gần 1 tỷ đồng lãi 20 triệu sau 10 năm

Anh Tuyên tính toán: "Nếu số vàng gần 10 năm trước của tôi vẫn để đến giờ thì cũng đã có lãi chút ít. Nhưng hãy tính mà xem, gần 1 tỷ đồng đổ vào vàng mà 10 năm sau lãi khoảng 20 triệu đồng thì coi như đầu tư thất bại lớn. Nên thôi, dù vàng có tăng hay còn tăng thì tôi cũng quyết "gác kiếm", không chơi trò mạo hiểm này nữa".

Có vẻ như câu chuyện của anh Tuyên cũng là bài học chung của nhiều người "chơi vàng" trong suốt 10 năm qua. Minh chứng là thị trường vàng trong khoảng 7 năm trở lại đây có rất nhiều đợt biến động lớn nhưng thị trường hầu như vẫn yên bình.

Hồi đầu năm 2020, thị trường vàng thế giới biến động không ngừng kể từ phiên ngày 3/1. Kim loại quý có thời điểm đã vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce trong ngày 8/1, mức cao nhất trong khoảng 7 năm qua khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.

Giá vàng trong nước theo đó cũng lần lượt "chọc thủng" mốc 43 triệu đồng/lượng rồi đến 44 triệu đồng/lượng và có thời điểm áp sát mốc 45 triệu đồng/lượng. Giới kinh doanh vàng thời điểm đó cho biết, giá vàng tăng mạnh và lượng khách giao dịch nhiều hơn ngày thường, nhưng chủ yếu là bán ra chốt lời. Thị trường cũng không xuất hiện những giao dịch đột biến và hầu như vắng bóng nhà đầu tư.

Thị trường vàng lại có một đợt sóng mới vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Giá vàng liên tục sụt giảm do các nhà đầu tư tìm cách thu hồi tiền mặt giữa những cơn hoảng loạn và rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu.

Trước đó, vào tháng 8/2019, giá vàng trong nước và thế giới đã "leo" lên mức đỉnh của 6 năm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi các nhà đầu tư quốc tế đổ xô đi mua vàng như một phương tiện trú ẩn an toàn thì thị trường vàng trong nước vẫn "đìu hiu". Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước thậm chí không cần nới rộng chênh lệch giữa mua và bán, điều mà họ thường làm để bảo toàn mỗi khi thị trường biến động. Điều đó cho thấy, giới đầu cơ trong nước đã thực sự quay lưng với vàng.

Diễn biến trên vẫn tiếp tục duy trì trong những ngày gần đây khi kim loại quý trong nước đã leo lên mức cao nhất từ trước đến nay. Quan sát thị trường những ngày qua cho thấy, lượng khách giao dịch tại các con “phố vàng” ở Hà Nội có đông hơn ngày thường nhưng chủ yếu vẫn là những khách hàng nhỏ bán ra chốt lời. Thị trường không xuất hiện những giao dịch đột biến và hầu như vắng bóng các nhà đầu tư.

Đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết, những ngày qua giá vàng tăng vọt và giao dịch cũng tương đối sôi động hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, khác với 9 năm trước khi giá vàng lần đầu lên mức 49 triệu đồng/lượng, hiện nay nhiều nhà đầu tư cá nhân chủ yếu vẫn đang quan sát chứ chưa dám gia nhập thị trường bởi nhiều người lo sợ lịch sử của gần 10 năm trước sẽ lặp lại.

Bên cạnh đó, chính sách chống “vàng hóa” nền kinh tế đã loại vàng ra khỏi phương tiện thanh toán và từ lâu kim loại quý đã không còn hấp dẫn giới đầu tư.

* Cần những “cái đầu lạnh”

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 15%. Giá vàng thế giới cũng đã tăng 18% kể từ đầu năm nay. Nhu cầu đối với các tài sản an toàn được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, đưa giá vàng thế giới gần chạm “đỉnh” của 9 năm. Giới phân tích vẫn nhận định, giá vàng còn cơ hội tăng tiếp. Theo ông Vladimir Schlossberg, giám đốc phụ trách bộphận chiến lược tiền tệ tại công ty môi giới đầu tư BK Asset Management, giá vàng sẽ chưa dừng đà tăng sau khi đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên ngày 8/7.

Nhà phân tích Daniel Moss cho trang tin Bloomberg cũng đồng ý rằng giá vàng có thể tiếp tục tăng cao hơn sau khi phá vỡ ngưỡng 1.800 USD/ounce. Ông chỉ ra rằng các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi báo cáo kinh doanh của các công ty Mỹ trong quý II/2020, với đa số đều nhận định sẽ ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chính sách tài chính và tiền tệ hỗ trợ đã cung cấp môi trường hoàn hảo cho giá vàng, với lợi suất thực tế ở mức thấp kỷ lục và đồng USD suy yếu đáng kể do nguồn thanh khoản dồi dào chưa từng có.

Dự báo giá vàng sẽ còn tăng tiếp nhưng giới phân tích trong nước cũng đã liên tục cảnh báo về mức độ rủi ro khi "chơi vàng". Một loạt những phân tích của chuyên gia vàng như ông Nguyễn Trí Hiếu đều khuyên người dân không nên đổ hết tiền vào vàng. Từ đầu năm đến nay, vị chuyên gia này luôn nhìn nhận vàng có cơ hội để đầu tư nhưng rủi ro cũng rất khó lường. Chính vì vậy người dân chỉ nên dùng tiền nhàn rỗi để mua vàng và không nên đầu tư lướt sóng.

Chị Chu Kim Thoa, một người dân ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết, chị có một khoản tiền nhàn rỗi định mua vàng nhưng thời điểm này giá vàng đang tăng cao nên chị chuyển qua gửi tiết kiệm. Chị Thoa chia sẻ: “Những lúc vàng tăng mạnh thì không nên mua bởi giá vàng rất khó đoán, tăng mạnh nhưng cũng rất có thể sẽ giảm mạnh. Rủi ro là rất lớn nên tôi chỉ mua vào khi giá thấp”./.

Đỗ Huyền/TTXVN

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/vi-sao-nha-dau-tu-van-tho-o-khi-vang-tren-dinh-lich-su-559456.html