Vì sao nhà đầu tư cần phải quan tâm đến Brexit?

Thỏa thuận Brexit của thủ tướng Anh gặp thất bại đã trở thành tâm điểm trong tuần qua, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến thị trường như dự báo của giới quan sát. Có vẻ như nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của câu chuyện này, và những hệ quả mà nó có thể gây ra một khi nước Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận nào kèm theo.

Kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cùng với các điều khoản thỏa thuận kèm theo mà thủ tướng Anh Theresa May đạt được với các quan chức EU đã không nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia nước Anh, theo đó thỏa thuận này đã gặp thất bại khi trình ra Quốc hội Anh hôm 15/01.

Đây được xem là thất bại nặng nề nhất của một chính phủ Anh tại vị, khi lần đầu tiên Nghị viện Anh bác bỏ một hiệp ước kể từ năm 1864, đánh dấu sự sụp đổ chiến lược hai năm qua của bà May nhằm thu xếp để Anh rời đi êm ấm trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với EU sau ngày 29/3, thời hạn cuối để Anh phải rút khỏi EU.

Dù chính phủ của bà May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau thất bại Brexit, khi nhận được 325 phiếu ủng hộ so với 306 phiếu chống, một tỷ lệ khá sít sao, thì Thủ tướng Anh chỉ có khoảng thời gian 5 ngày để trình bày một kế hoạch B cho thỏa thuận Brexit của bà trước quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/01 này.

Đối với các nhà đầu tư bên ngoài nước Anh, thỏa thuận Brexit có vẻ là một vấn đề không gây ra quá nhiều lo lắng, khi điều này đã trở nên quá quen thuộc trong suốt 2 năm qua và không còn tác động quá mạnh đến thị trường như thời điểm nó mới xuất hiện.

Tuy nhiên, có 3 lý do chính khiến các câu chuyện này có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư ở những khu vực khác ngoài nước Anh, đặc biệt là khi con đường phía trước vẫn chưa rõ ràng và triển vọng về một Brexit không có thỏa thuận (Brexit cứng) gần như đã sắp thành hiện thực và có thể mang lại những hậu quả lâu dài.

1. Sự không chắc chắn cho các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là các ngân hàng

Nước Anh là quốc gia mà nhiều tập đoàn Mỹ chọn làm trụ sở chính tại châu Âu, bao gồm các ông lớn tài chính như JP Morgan, Bank of America, Merrill Lynch và Goldman Sachs. Trước tương lai nước Anh phải rời khỏi châu Âu mà không có thỏa thuận nào kèm theo, nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đã chi tiêu rất nhiều tiền để củng cố trở lại các văn phòng khác của họ ở khu vực châu Âu tại những nơi như Dublin, Paris và Frankfurt.

Dù vậy, chắc chắn khu vực tài chính của London sẽ có những ảnh hưởng nhất định, trước các phản ứng không chỉ của những tập đoàn lớn mà còn là các công ty tư nhân ít tên tuổi. Do đó, thu nhập của những công ty này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, theo đó giá cố phiếu của công ty có thể chịu áp lực sụt giảm.

Theo báo cáo của công ty EY công bố vào ngày 07/01, các ngân hàng và các công ty tài chính khác đã chuyển ít nhất 800 tỷ Bảng Anh, tương ứng 1 ngàn tỷ USD tài sản ra khỏi nước Anh và chuyển sang các nước khác trong EU vì lo ngại Brexit. EY đã theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit trong tháng 6/2016.

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang rời khỏi nước Anh vì e ngại Brexit

2. Thương mại

Rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ thoát khỏi các hiệp định thương mại mà EU đã ký với các đối tác. Vì vậy, nước này sẽ cần phải đàm phán các thỏa thuận riêng trở lại. Với những gì mà chúng ta đã thấy các cuộc đàm phán thương mại đa phương và song phương trong năm qua diễn ra như thế nào, có thể nói rằng các cuộc đàm phán sắp tới của Anh sẽ mất thêm rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, nước Anh có thể sẽ quay trở lại các hàng rào thuế do Tổ chức Thương mại Thế giới quy định, tuy không quá cao đến mức “khủng khiếp” nhưng vẫn cao hơn mức thuế hiện tại mà nước này đang áp dụng. Điều này có thể cản trở khối lượng giao dịch thương mại, đồng thời tạo ra các hồ sơ tồn đọng tại các cửa khẩu châu Âu khi đột nhiên sẽ phải tăng thêm các thủ tục hải quan, chưa kể đến việc tăng chi phí cho người tiêu dùng của nước này.

3. Suy yếu kinh tế

Nếu tăng trưởng kinh tế của nước Anh suy giảm do Brexit, theo bất kỳ hình thức nào có thể xảy ra, điều này sẽ càng làm gia tăng nỗi sợ hãi về nguy cơ suy thoái trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đã cảnh báo trong hơn nửa năm qua. Cụ thể ngân hàng thế giới cũng dự báo tăng trưởng thế giới sẽ mất đà trong năm 2019, trong khi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn trong giai đoạn tới.

Điều đó nói rằng, nền kinh tế của Vương quốc Anh chắc chắn đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng” giống như Trung Quốc, dù độ rung lắc có thể khác nhau. Một sự suy thoái đối với nước Anh có thể sẽ không quá sâu sắc , nhưng nó sẽ để lại dấu ấn cho hoạt động kinh tế của châu Âu và khu vực đồng euro, và một lần nữa tác động đến các công ty đa quốc gia kinh doanh ở châu Âu.

Điểm mấu chốt là nền kinh tế toàn cầu đã lâm vào thế kẹt khi cho rằng Brexit sẽ không có ảnh hưởng gì lên các nền kinh tế bên ngoài nước Anh. Nhưng điều này là không chuẩn xác, vì vậy các nhà đầu tư ở mọi nơi trên thế giới nên để mắt tới tiến triển trong lộ trình rời khỏi EU nước nước Anh, khi mà tâm lý trên các thị trường hiện nay vốn đang rất mỏng manh và dễ dàng bị tác động bởi bất kỳ rủi ro nào.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/vi-sao-nha-dau-tu-can-phai-quan-tam-den-brexit-156090.html