Vì sao người Việt coi trọng việc cúng lễ ngày rằm tháng Giêng?

Trong năm có nhiều ngày lễ, tết, cúng bái quan trọng nhưng nhiều người vẫn truyền tai nhau câu: 'Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng', vì sao lại như vậy? Ngày rằm tháng Giêng có gì đặc biệt?

Ngày rằm tháng Giêng với người Việt là một trong những ngày quan trọng trong năm - Ảnh: Độc Lập

Vì sao rằm tháng Giêng lại quan trọng?

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng người dân hay nói “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là do đây là rằm khởi đầu của năm, thích hợp với việc cầu nguyện những điều ước lành.

Theo thượng tọa Thích Thiện Chiếu, ngày rằm tháng Giêng trùng với lễ Thượng Nguyên nên là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đình.

Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, GS Trần Ngọc Thêm viết người Việt coi trọng cái ban đầu nên không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng; thêm vào đó, tháng này công việc lại ít (Tháng Giêng là tháng ăn chơi) nên tháng Giêng có nhiều tết hơn hẳn các tháng khác.

GS Trần Ngọc Thêm cho biết tết Thượng Nguyên để hướng thiên cầu phúc. “Tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, thủy quan giải ách)", GS Trần Ngọc Thêm viết.

Còn TS Trần Long, Giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM thì cho rằng người Việt quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt” nên thời khắc đầu tiên trong năm rất quan trọng, rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên trong năm nên cũng được coi trọng.

Từ đâu có tên gọi tết Nguyên Tiêu?

Ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu, tết Thượng Nguyên, tết Trạng Nguyên,... Theo TS Trần Long tết Nguyên Tiêu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Qua thời gian, tết này được bổ sung thêm nhiều yếu tố văn hóa Đông Á nên nguồn gốc được lý giải theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều người có thói quen đi chùa ngày rằm tháng Giêng để cầu phước lành - Ảnh: Độc Lập

TS Trần Long cho biết có những giai thoại, những câu chuyện về nguồn gốc tết Nguyên Tiêu được mọi người truyền tai nhau. Một trong những câu chuyện phổ biến viết rằng vua Hán Văn lên ngôi đúng ngày rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến đêm rằm tháng Giêng là vua lại ra ngoài chung vui với người dân.

Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên Tiêu.

Giải thích về tên gọi tết Trạng Nguyên, TS Trần Long dẫn chứng tích kể rằng ngày rằm đầu tiên của năm, vua mời các trạng nguyên đến yến tiệc tại vườn thượng uyển, cùng xem hoa thưởng nguyệt. Do vậy, tết Nguyên Tiêu còn là dịp để mọi người ngồi lại với nhau ăn bánh trôi, ngắm trăng làm thơ, múa lân sư rồng.

Hầu như các chùa đều rất đông đúc trong ngày rằm tháng Giêng - Ảnh: Lam Ngọc

Ngoài ra, TS Trần Long cũng cho biết thêm, tết Nguyên Tiêu là dịp nhiều gia đình ở Trung Quốc treo đèn lồng đỏ trước nhà. Thói quen này bắt đầu từ một trong những giai thoại người ta truyền tai nhau về con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới và bị một người thợ săn bắn chết.

Ngọc Hoàng nghe tin nổi giận, sai một đội quân đến ngày rằm tháng Giêng phóng hỏa để thiêu rụi mọi thứ ở trần gian. Các quan ở thiên triều có một vị không đồng tình với Ngọc Hoàng nên đã xuống hạ giới để bày cách cho con người thoát khỏi đại họa này.

Vậy nên đúng đêm rằm tháng Giêng nhà nào cũng treo đèn lồng màu đỏ để Ngọc Hoàng tưởng rằng lệnh phóng hóa đã được thi hành. Từ đó người Trung Quốc cứ tới đêm rằm tháng Giêng lại treo đèn lồng đỏ để tưởng nhớ vị ân nhân đã giúp cả trần gian thoát nạn.

Vũ Phượng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/vi-sao-nguoi-viet-coi-trong-viec-cung-le-ngay-ram-thang-gieng-937248.html