Vì sao người Trung Quốc không mặn mà với bom tấn 'Black Panther'?

Bom tấn siêu anh hùng của Marvel Studios tới nay thu hơn 1,18 tỷ USD trên toàn cầu. Song, thị trường Trung Quốc đóng góp chưa đầy 100 triệu USD trong con số đó.

Trailer bộ phim 'Black Panther - Chiến binh Báo Đen' Bộ phim riêng về siêu anh hùng Black Panther thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), dự kiến ra rạp từ 23/2.

Ra rạp tại Trung Quốc từ 9/3, Black Panther lập tức dẫn đầu phòng vé với thành tích 62,8 triệu USD sau ba ngày cuối tuần. Tuy nhiên, doanh thu bộ phim tại quốc gia tỷ dân cứ thế giảm dần trong quãng thời gian sau đó.

Từ 16-18/3, thành tích của Black Panther giảm sâu xuống mức 12 triệu USD, và tổng doanh thu tại riêng Trung Quốc của bom tấn tới nay mới chỉ là 96 triệu USD.

Nếu như Black Panther được giới phê bình và khán giả nhiều nơi trên thế giới ca ngợi, thì người Trung Quốc lại dành nhiều lời chỉ trích dành cho bộ phim. Họ gọi đây là tác phẩm “đúng đắn chính trị” (political correctness) khi sử dụng dàn diễn viên hầu hết là người da màu, cũng như mang thông điệp đề cao châu Phi.

Những lời phàn nàn từ phía bên kia bờ Thái Bình Dương

Trên hai mạng xã hội MTime và Douban tại Trung Quốc, Black Panther chỉ lần lượt đạt điểm 6,7 và 7,1 trên thang điểm 10. Một bình luận được nhiều người đồng tình trên Douban viết: “Bộ phim giống như vở Hamlet với các bộ lạc và biểu tượng văn hóa Phi châu. Nếu thay thế các nhân vật con người bằng động vật, chúng ta có thể coi đây là phần tiếp theo của Vua sư tử”.

Chu Mộng Phong - một nhà bình phim có tiếng tại quốc gia châu Á - thì chia sẻ trên trang Weibo cá nhân của anh rằng thành công của Black Panther đến từ ý nghĩa tác động xã hội to lớn, thay vì bản thân nội dung tác phẩm.

Black Panther đón nhận nhiều quan điểm trái chiều từ Trung Quốc, và tới nay còn chưa cán mốc 100 triệu USD tại quốc gia tỷ dân.

Black Panther đón nhận nhiều quan điểm trái chiều từ Trung Quốc, và tới nay còn chưa cán mốc 100 triệu USD tại quốc gia tỷ dân.

Một số người dùng trên Douban tỏ ra không hài lòng khi cho rằng rất nhiều người da đen đã có chỗ đứng vững chắc tại nước Mỹ, còn người châu Á thì chưa.

Do đó, thành công của Black Panther đối với họ là điều khó hiểu. “Tại sao Marvel và DC ngó lơ người châu Á và các dân tộc khác? Tại sao chỉ có người da đen lại được họ đối xử đặc biệt đến thế?”, một người dùng nặc danh trên Douban bình luận.

Marvel Studios đang trải qua quãng thời gian hoàng kim mà bất cứ hãng phim nào cũng phải ghen tị, và mỗi tác phẩm họ tung ra giống như một sự kiện điện ảnh lớn. Black Panther không nằm ngoài quy luật đó, và vô số lời khen ngợi trước đó (phim khởi chiếu tại nhiều nơi trên thế giới từ 16/2) đã khiến người Trung Quốc tò mò về dự án trong tuần đầu trình chiếu.

Nhưng hiệu ứng truyền miệng không tốt tại quốc gia tỷ dân đã khiến cơn sốt mau chóng qua đi. Nếu so sánh tuần thứ hai trình chiếu với tuần ra mắt, doanh thu của Black Panther tại Trung Quốc đã giảm tới 85%.

Jonathan Papish, một chuyên gia nghiên cứu thị trường Trung Quốc, phát biểu trên trang ABC rằng: “Black Panther không đúng như kỳ vọng của nhiều người Trung Quốc về một bom tấn siêu anh hùng Marvel. Hầu hết tác phẩm thuộc MCU đều tươi sáng, vui nhộn, với nội dung giải cứu Trái đất, cùng nhiều pha cháy nổ hoành tráng”.

Một số người Trung Quốc không thích Black Panther khi cho rằng bộ phim nhồi nhét quá nhiều tư tưởng chính trị.

“Với Black Panther, người Trung Quốc cảm thấy bộ phim bị nhồi nhét quá nhiều thông điệp về chính trị và giá trị của nước Mỹ. Họ không đón nhận những điều đó”, Papish nói thêm.

Và một số người Trung Quốc có lẽ không thích các nhân vật da đen. Như trường hợp của Spider-Man: Homecoming (2017), Jonathan Papish tiết lộ rằng khi theo dõi bom tấn ngoài rạp, ông nghe thấy có khán giả phàn nàn rằng việc để Zendaya - một cô gái da màu - vào vai nữ chính là điều không cần thiết.

Lỗi tại ai?

Dĩ nhiên, không phải khán giả Trung Quốc nào cũng chỉ trích Black Panther. Vẫn có nhiều người đứng lên bảo vệ bom tấn, dàn diễn viên da màu, cũng như giá trị thông điệp của tác phẩm. Như một người dùng trên Douban viết: “Cốt truyện trôi chảy, âm nhạc ấn tượng, và đây là bộ phim siêu anh hùng da đen hiếm hoi. Tôi cảm thấy hứng thú hơn với văn hóa Phi châu sau khi xem phim”.

Song, luồng quan điểm trái chiều rất lớn, đem tới nhiều bình luận vô cùng nhạy cảm và bị báo chí liên tục khai thác. Có người viết: “Black Panther da đen, nhân vật chính nào cũng da đen, nhiều cảnh chọn tông màu đen, cảnh đuổi bắt bằng ôtô cũng đen. Tông màu đen kịt của bộ phim làm tôi chóng mặt, và khiến mắt tôi như bị tra tấn”.

Việc người Trung Quốc lạnh nhạt với bom tấn có lẽ không đến từ tư tưởng phân biệt chủng tộc, mà từ thói quen xem phim nhiều hơn.

Một khán giả tới muộn thì gửi thông điệp pha chút mỉa mai: “Khi vào rạp, tôi thấy một đám người da đen đang đánh nhau giữa đêm tối. Tôi chưa bao giờ ở trong rạp chiếu phim nào tối đến nỗi không thể tìm nổi chỗ ngồi”.

Jonathan Papish cho rằng những bình luận nhạy cảm đó liên quan nhiều hơn tới thói quen, chứ không cho thấy người Trung Quốc có ý phân biệt chủng tộc. Khán giả nơi đây thường được theo dõi các bộ phim 3D rực rỡ, có tông màu sáng, còn Black Panther thì lại không như vậy.

Cũng cần phải nhớ rằng hai bộ phim quốc tế ăn khách nhất trong lịch sử thị trường Trung Quốc là Fast & Furious 7 (2015) và Fast & Furious 8 (2016) sở hữu dàn diễn viên đa quốc tịch, với nhiều màu da và nguồn gốc khác nhau.

Bộ phim hoạt hình Coco dẫu có dàn diễn viên lồng tiếng người Latin cũng thắng lớn ở Trung Quốc, hay Aamir Khan - tài tử da màu người Ấn Độ - nay đã trở thành “ông hoàng phòng vé” tại quốc gia tỷ dân nhừ hàng loạt tác phẩm ăn khách như Dangal, Secret Superstar...

Black Panther được ca ngợi là tác phẩm mô tả chân thực, chính xác người da đen và văn hóa của họ. Vậy nếu người Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với bom tấn, theo tờ Quartz, đó có lẽ là lỗi của Hollywood bởi họ đã mang đến quá nhiều cái nhìn sai lệch trên màn ảnh về người da đen trong quá khứ.

Tuấn Lương
Ảnh: Disney

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-nguoi-trung-quoc-khong-man-ma-voi-bom-tan-black-panther-post827353.html