Vì sao người trung gian lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 không bị phạt hành chính, xử lý hình sự?

Từ vụ án Dương Tấn Hậu làm lây lan dịch Covid-19, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP HCM nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý tiếp xúc với người đang cách ly y tế

Sau khi cơ quan công an đề nghị truy tố tội danh "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" đối với Dương Tấn Hậu (SN 1992), không ít ý kiến bàn luận về quan điểm xử lý những cá nhân, tổ chức liên quan.
Hậu là cựu tiếp viên hàng không (làm việc tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines), có hành vi không thực hiện đúng quy định cách ly y tế. Sai phạm trên dẫn đến hậu quả làm lây lan bệnh dịch Covid-19 trực tiếp cho Liễu Minh Sang, gián tiếp lây bệnh sang hai người khác (lây từ Sang).

Theo hồ sơ, Sang đến gặp rồi cùng Hậu rời khỏi khu cách ly, đi ăn uống. Hậu quả, Sang trở thành trung gian lây bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên, Sang không biết Hậu nhiễm bệnh trong thời gian tiếp xúc. Cơ quan điều tra kết luận pháp luật chưa đủ căn cứ xử lý hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" đối với Sang.

Công an đọc lệnh khởi tố bị can Dương Tấn Hậu (Ảnh: NLĐO)

Công an đọc lệnh khởi tố bị can Dương Tấn Hậu (Ảnh: NLĐO)

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác nhận nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế chưa có quy định xử phạt đối với người tiếp xúc với người đang cách ly y tế. Vì thế, cơ quan điều tra cũng không đủ căn cứ xử phạt hành chính đối với Sang.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng pháp luật cần xử lý nghiêm sai phạm do Sang gây ra. Có như vậy, cơ quan chức năng mới đảm bảo tính công bằng, thuyết phục cũng như răn đe trong cộng đồng. Luật sư phân tích dù không biết Hậu dương tính với SAR-CoV-2 nhưng Sang biết rõ Hậu đang trong diện cách ly y tế. Cơ quan điều tra nêu rõ Sang có hành vi cố tình tiếp xúc với Hậu. Sau đó, Sang không những nhiễm bệnh từ Hậu mà còn tiếp tục lây bệnh sang một số người khác.
Luật sư cho rằng cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự hành vi nêu trên. Bởi vì, Sang có sai phạm và gây hậu quả không kém Hậu. Trường hợp cá nhân cố tình tiếp xúc với người đang cách ly y tế nhưng không lây bệnh, không truyền nhiễm bệnh dịch ra cộng đồng. Đồng thời, nhà nước không gánh chịu thiệt hại bởi sai phạm đó. Tình huống này, cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe, cảnh tỉnh chung.
"Địa phương không thể xử lý nghiêm vì quy định pháp luật liên quan đến dịch bệnh tồn tại nhiều thiếu sót, chưa bắt kịp thực tế. Chính vì thế, pháp luật cần sớm bổ sung quy định xử phạt mọi sai phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh" - luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Từ vụ án này, cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM cũng đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP HCM nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý tiếp xúc với người đang cách ly y tế.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/vi-sao-nguoi-trung-gian-lay-nhiem-dich-benh-covid-19-khong-bi-phat-hanh-chinh-xu-ly-hinh-su-20210310122827451.htm