Vì sao người Nga yêu thích văn học?

Văn học là sản phẩm tinh thần quý giá của dân tộc Nga. Dưới đây, người viết xin mượn bốn phương diện để nói về lý do tại sao người Nga lại yêu thích văn học đến vậy.

Văn học xây đắp hình tượng cao đẹp về nước Nga

Văn học Nga mang lại ánh hào quang rực rỡ cho người Nga. Thiện cảm của nhân dân thế giới đối với nước Nga nhìn ở một góc độ nào đó xuất phát từ sự tiếp nhận văn học của thế giới đối với văn học Nga. Cuối thế kỷ 19, đã xảy ra những sự kiện lớn, đó là, đài tưởng niệm Puskin được xây dựng tại quảng trường Moscow. Đây là đài tưởng niệm đầu tiên dành cho một nhà thơ Nga. Dostoyevsky và Turgenev được mời tham dự lễ khánh thành năm 1880. Lúc bấy giờ, quan hệ của hai nhà văn này rất căng thẳng, người ta lo rằng hai người sẽ đấu đá ở lễ khánh thành. Do đó, hai người được mời vào hai ngày khác nhau, nhưng lạ kỳ là những diễn thuyết của họ lại cùng chung quan điểm. Hai nhà văn này nói rằng có tượng đài này, chúng ta mới ý thức được Puskin là một nhà thơ vĩ đại, tượng trưng cho văn hóa của người Nga. Chúng ta đã đi tìm bước đột phá trong văn học và văn hóa, nước Nga từ đây trở thành một đất nước văn minh.

Lev Nikolayevich Tolstoy hoàn thành tiểu thuyết “Anna Karenina” (1877). Sau khi tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” (1865-1869) ra mắt, người châu Âu đã thay đổi cách nhìn đối với văn học Nga, nhưng họ vẫn cảm thấy rằng “Chiến tranh và hòa bình” không phải là tiểu thuyết trong quan niệm của người châu Âu. Điều đó có nghĩa là, người Nga không thể viết được các loại tiểu thuyết gia đình, ngôn tình hay bi kịch. Sau khi “Anna Karenina” ra mắt công chúng, làm người châu Âu phải tâm phục khẩu phục. Dostoyevsky viết một bài trên tạp chí do ông thành lập. Mở đầu bài viết có đề cập đến việc ông gặp Goncharov ở đại lộ Nevsky. Goncharov hỏi ông có đọc “Anna Karenina” không? Dostoyevsky trả lời, đương nhiên là đọc rồi. Goncharov bấy giờ giơ cao ngón tay chỉ về phía Tây nói: “Họ không thể viết được những tiểu thuyết như thế này”. Họ ở đây là chỉ các nước Tây Âu. Dostoyevsky nói: "Tiểu thuyết này không khác gì một giọt nước ở biển khơi, nó có thể ánh xạ ra ánh sáng của thiên bẩm, người Nga viết tốt không kém gì người Tây Âu, thậm chí còn xuất sắc hơn, trong lĩnh vực văn hóa đã để lại kho tàng văn học quý báu, đại diện cho di sản văn hóa thế giới".

Sự tự ti trên lĩnh vực văn hóa của người Nga lúc này đột nhiên biến mất. Thông qua đài tưởng niệm Puskin, tiểu thuyết của Lev Nikolayevich Tolstoy, sự ra đi của Dostoyevsky, làm cho cả thế giới thấy được rằng dân tộc Nga có sức sáng tạo phi phàm trong văn học. Thế giới đã thay đổi cách nhìn đối với nước Nga bắt đầu từ văn học. Đây là câu trả lời cho câu hỏi vì sao người Nga yêu thích văn học.

Ảnh hưởng đến đời sống xã hội

Chế độ nông nô của nước Nga tồn tại một thời gian dài, chuyên chế về chính trị và sự thống trị kéo theo sự bất ổn trong tự do ngôn luận. Thế kỷ 19, các nhà văn Nga xuất thân quý tộc nhưng họ thường trở thành kẻ phản bội chính giai cấp của mình, trở thành quý tộc “sám hối”. Trong văn học, họ đề cao chủ nghĩa nhân đạo, văn học trở thành tiếng nói bất bình với chế độ, nhiều người đã dám nói những điều mà trước đây không dám nói, đề cao chính nghĩa và công bằng xã hội. Văn học như vậy đã làm cho công chúng tôn trọng từ trái tim mình.

Tính cách dân tộc và văn học

Nhìn từ góc độ tính cách dân tộc, thì dân tộc Nga có thiên bẩm về văn học. Nước Nga có một nhà triết học là Berdyaev, ông từng nói rằng, người Nga là dân tộc có tính cách mẫu thuẫn nhất thế giới. Ví dụ, người Nga có tư tưởng khai sáng, giỏi đánh trận, có tinh thần thượng võ nhưng cũng đa sầu đa cảm, cam chịu khổ đau. Nếu nói tính mâu thuẫn không có lợi cho sự ổn định về mặt chính trị thì nó lại có lợi cho văn học nghệ thuật phát triển, do đó, mỗi một người đều là một nhà nghệ thuật bẩm sinh.

Biểu hiện thứ hai của tính cách dân tộc Nga là, người Nga thường nhầm lẫn giữa văn học và đời sống, giữa nghệ thuật và hiện thực, họ thường văn học hóa đời sống và đời sống hóa văn học. Tôi thấy rằng, trong tính cách của dân tộc Nga có nét đẹp của khuynh hướng lý tưởng hóa, coi hiện thực là phương tiện truyền đạt tư tưởng của mỹ học.

Mối liên hệ với ý thức dân tộc

Thời kỳ phát triển nhất của văn học Nga có lẽ là thời kỳ mà ý thức dân tộc lên cao. Năm 1812, sau khi đánh bại đội quân của Napoleon thì ý thức dân tộc của người Nga được nêu cao chưa từng thấy. Văn học Nga mang tính cách Nga, thể hiện ý chí nước Nga hùng cường. Trong đó nền tảng của văn học Nga là sự lớn mạnh của ngôn ngữ Nga. Đối với nhận thức về một thể thống nhất thì phần lớn văn học là kết quả của sức tưởng tượng vô bờ bến.

Trên đây, chúng ta lý giải vì sao người Nga yêu thích văn học, bây giờ xin điểm qua về tình hình văn học Nga đương đại. Có thể nói hiện nay là giai đoạn kém phát triển nhất. Địa vị của nhà văn Nga xuống dốc không phanh, sự ảnh hưởng của văn học đối với hiện thực cuộc sống cũng bị thu hẹp, những tổ chức do nhà văn thành lập thì chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Hiện nay rất ít có ai kiếm sống bằng nghề viết, có tạp chí văn học không thể duy trì lâu dài được. Nguyên nhân thứ nhất là Liên Xô tan rã, làm cho văn học mất phương hướng, rất khó để phát huy tinh thần dân tộc, làm cho văn học Nga phải đối mặt với khó khăn chưa từng có; thứ hai, trước và sau khi Liên Xô tan rã, văn học Nga có thời kỳ phải đi đường vòng, làm cho văn học Nga bắt chước châu Âu, làm mất đi bản sắc dân tộc; thứ ba, việc văn học bị các trào lưu phát triển kinh tế và truyền thông ảnh hưởng. Rất ít người cầm truyện để đọc mà thường đọc qua internet. Ba yếu tố này kết hợp lại làm cho văn học Nga phải đối mặt với thách thức lớn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy văn học Nga đương đại đang nỗ lực tìm về với bản ngã của mình, trở về với tính văn học vốn có.

Tiểu luận của LƯU VĂN PHI (Trung Quốc), PHẠM HUY QUỲNH (lược dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/vi-sao-nguoi-nga-yeu-thich-van-hoc-611013