Vì sao người Mỹ năm nay rầm rộ đi bầu cử sớm?

Đối với hơn 26 triệu người Mỹ, 8.11 chỉ đơn giản là một ngày bình thường trong tháng. Bởi vì họ đã lựa chọn xong tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và không phải lo lắng về việc bỏ phiếu vào tuần tới.

Ảnh minh họa.

Nhưng càng đi bỏ phiếu sớm thì càng nhiều khả năng cử tri Mỹ sẽ bỏ lỡ nhiều thông tin quan tron điển hình là việc Giám đốc FBI James Comey thông báo việc mở lại điều tra về email cá nhân của bà Clinton.

Trên thực tế, ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rơi vào thứ Ba và do đó, người Mỹ càng có lý do để đi bầu sớm, tránh phải xếp hàng dài trong ngày 8.11. Ước tính số người đi bỏ phiếu sớm năm nay có thể vượt qua mức 46 triệu người trong cuộc bầu cử năm 2012.

Vì sao Ngày bầu cử Mỹ rơi vào thứ Ba?

Hiến pháp Mỹ không hề chỉ rõ ngày bầu cử cụ thể là thời điểm nào. Bắt đầu từ cuộc bầu cử năm 1792, Quốc hội Mỹ cho phép các bang được tự tổ chức bầu cử vào bất cứ thời điểm nào trong 34 ngày kể từ thứ Tư đầu tiên trong tháng 12. Điều này dẫn đến việc có bang bỏ phiếu sớm, có bang bỏ phiếu muộn. Những bang bỏ phiếu muộn có thể bị tác động từ những bang bỏ phiếu sớm hơn.

Do đó, Quốc hội Mỹ năm 1845 cố định ngày bầu cử là “ngày thứ Ba đầu tiên” trong tháng 11. Điều đó có nghĩa là bầu cử Mỹ thường chính thức bắt đầu trong những ngày từ 2-8.11.

Các nhà sử học lập luận rằng Quốc hội chọn ngày thứ Ba vì bối cảnh nông nghiệp của Mỹ thế kỷ 19. Trong những năm 1800, hầu hết công dân Mỹ là nông dân và sống xa nơi bỏ phiếu.

Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm ở thành phố Durham, bang North Carolina.

Họ thường phải mất ít nhất một ngày để đến điểm bầu cử nên các nhà lập pháp cần phải tạo ra hai ngày trống để người dân di chuyển. Tổ chức vào dịp cuối tuần là bất hợp lý vì hầu hết mọi người đi nhà thờ vào chủ nhật, còn thứ 4 là ngày họp chợ.

Cố định vào ngày thứ Ba đầu tiên trong tháng 11 cũng nhằm cân bằng khoảng thời gian giữa bầu cử và cuộc họp của Cử tri đoàn. Thời điểm này cũng đã kết thúc việc thu hoạch mùa thu của nông dân nhưng trước khi mùa đông bắt đầu, khi đó thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến đi lại khó khăn hơn.

Vì sao ngày bầu cử gây tranh cãi?

Ngày nay, ngày bầu cử gây tranh cãi vì rơi vào đúng giữa tuần làm việc và không phải là ngày nghỉ lễ. Mặc dù có 8 bang ở Mỹ kỷ niệm ngày bầu cử nhưng vẫn có những lo lắng về việc chỉ có một cơ hội duy nhất đi bầu. Đặc biệt với những người làm việc theo giờ.

Do đó, nhiều nhà bình luận đề xuất chuyển ngày bầu cử Mỹ sang cuối tuần; trở thành ngày lễ liên bang; hay gộp với ngày Cựu chiến binh diễn ra cách đây vài hôm hoặc kết hợp cả 3 yếu tố này.

Bỏ phiếu sớm là gì?

Một địa điểm bỏ phiếu sớm ở bang Minnesota.

Một cách thay thế khác là sự xuất hiện của việc “bỏ phiếu sớm”. Những cử tri đăng ký trước được phép bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Một số bang cho phép cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện trong khi các bang khác đều cho phép bỏ phiếu sớm nếu như trong ngày bầu cử, cử tri không thể đến được.

Vài năm gần đây, 34 bang ở Mỹ còn cho phép đi bỏ phiếu sớm “vô điều kiện”, nghĩa là cử tri Mỹ vẫn đi bỏ phiếu trước thời hạn ngay cả khi họ có thể bỏ phiếu đúng ngày 8.11.

Năm 2008, 29,7% số phiếu bầu đến từ việc bỏ phiếu sớm. Năm 2012, con số này tăng lên 31,6%. Trong cuộc bầu cử năm nay, các nhà phân tích dự đoán con số này sẽ vượt qua mức 40%. Tỷ lệ bầu cử sớm gia tăng cũng đặt ra mối lo ngại giống như thời điểm năm 1845.

Khi đó, cử tri đi bỏ phiếu muộn sẽ nắm được những thông tin khác với người bỏ phiếu sớm. Các cử tri bỏ phiếu sớm có thể hối hân với quyết định của mình.

Thay đổi lá phiếu bầu cử sớm

Một số bang ở Mỹ thậm chí còn cho phép cử tri thay đổi quyết định sau khi đã đi bầu cử sớm. Bang Wiconsin cho phép cử tri thay đổi quyết định đến 3 lần. Khi đó, các quan chức bầu cử sẽ phải căn cứ vào lá phiếu gần nhất làm kết quả và loại bỏ các lá phiếu trước đó. Nhưng đối với đa số các bang, bỏ phiếu nhiều lần được coi là hình thức gian lận.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vi-sao-nguoi-my-nam-nay-ram-ro-di-bau-cu-som-720388.html