Vì sao người già cần thận trọng trong dịch Covid-19?

Theo các chuyên gia y tế, người cao tuổi (NCT), người có bệnh nền, người mắc các bệnh không lây nhiễm… là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiễm Covid-19.

NCT thường có nhiều bệnh lý mạn tính, sức đề kháng yếu hơn các nhóm tuổi khác. Mới đây, Bộ Y tế vừa có quyết định ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe NCT, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 cho NCT tại cộng đồng”. Trước đó, Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường PCD cho người bệnh, NCT. Theo đó, khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có NCT, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, tới khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh…

 Khám bệnh mạn tính cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Khám bệnh mạn tính cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị: Cục Quản lý khám, chữa bệnh cùng các hội đồng chuyên môn ban hành một loạt tài liệu hướng dẫn chăm sóc và điều trị cho người bệnh Covid-19. Đặc biệt, các tài liệu này đi sâu vào từng nhóm nguy cơ, như: NCT, người khuyết tật, yếu thế, người mắc các bệnh không lây nhiễm dễ mắc Covid-19 để biết cách phòng ngừa và nâng cao thể trạng, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tài liệu cũng hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở trong việc phối hợp với y tế tuyến trên cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho NCT, vừa bảo đảm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính tại cộng đồng trong bối cảnh PCD Covid-19.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu NCT, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với NCT, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.

Chia sẻ với phóng viên, TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Với những bệnh nhân cao tuổi nhiễm Covid-19 kèm các bệnh lý mạn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mạn tính… thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. NCT có bệnh mạn tính, nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm cho các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp, khiến bệnh nhân rất dễ tử vong. Họ cũng có nguy cơ cao diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus”.

Còn theo nhận định của GS, TS Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch-Bệnh viện Bạch Mai, đối với người bệnh tim mạch mạn tính, điều quan trọng nhất là phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng... để tăng cường miễn dịch trong đợt dịch. Nguy cơ biến chứng, diễn biến bệnh sẽ tăng vọt nếu do dự không dùng các thuốc hằng ngày theo đơn, nhất là khi toàn trạng yếu mệt khi nhiễm Covid-19.

Giải thích về vấn đề NCT dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS, TS Hồ Thị Kim Thanh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Ngoài việc phải uống rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của NCT cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi họ mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể NCT không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính, như: Suy gan, suy thận, suy đa tạng, làm phức tạp việc điều trị. Chính vì vậy, với NCT, việc phòng dịch phải được lưu tâm hơn cả, do đó, nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, tới nơi đông người, giữ vệ sinh cá nhân, tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập và sinh hoạt khoa học. Phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 ở một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cũng là tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế khiến cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bởi vậy, Chính phủ và ngành y tế luôn coi NCT, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác PCD Covid-19.

Khi dịch Covid-19 vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi NCT và thành viên gia đình NCT, người chăm sóc NCT cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/vi-sao-nguoi-gia-can-than-trong-trong-dich-covid-19-615799