Vì sao người dân vùng sạt lở ở Thừa Thiên Huế không mặn mà với khu tái định cư?

Tốc độ xâm thực của biển ngày càng mạnh nên các xã bãi ngang ven biển như Quảng Công, Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đứng trước nguy cơ sạt lở cao. Trước thực trạng đó, năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đầu tư nhiều khu tái định cư (TĐC) để di dời dân đến nơi an toàn. Song, nhiều khu TĐC không phát huy hiệu quả, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ nên người dân còn e ngại khi chuyển đến.

Nhiều ngôi nhà xây xong nhưng không có người ở.

Xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) là một xã bãi ngang ven biển. Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, sóng biển lại xâm thực mạnh vào đất liền, hơn 150 hộ dân hiện sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, cuối năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây dựng khu TĐC Tân Mỹ A với tổng diện tích 20ha, kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, diện tích đất ở là 4,5ha, được chia làm 115 lô, diện tích còn lại là đất sản xuất và xây dựng hệ thống giao thông, điện nước...

Sau khi rà soát, có 64 hộ dân tại xã Quảng Ngạn thuộc diện di dời ra khỏi vùng sạt lở. Tuy nhiên, ngoài 4 hộ được TĐC ghép ở các khu dân cư, đến nay mới chỉ duy nhất một hộ chuyển đến khu TĐC, những hộ còn lại vẫn cố bám trụ nơi ở cũ. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao bà con chần chừ không chịu đến nơi ở mới, thì ông Hồ Công Luận, Trưởng thôn Tân Mỹ A cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, chúng tôi cũng đã thường xuyên vận động bà con lên khu TĐC. Nhưng do hiện nay, khu TĐC vẫn chưa có hệ thống nước sạch, điện và đường dân sinh nên người dân vẫn chưa chuyển đến sinh sống. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết".

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, xã ven biển Quảng Công hằng năm bị nước biển xâm thực, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét, nhiều hộ dân sống tại đây đang đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt xây dựng 3 khu TĐC gồm: Khu TĐC Hải Thành - Cương Giáng, khu TĐC An Lộc - Tân Thành, khu TĐC Tân An trên tổng diện tích 40ha với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng, nhằm phục vụ cho gần 400 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Tuy nhiên, dự án đã được thực hiện 5 năm nhưng đến nay, hệ thống điện nước cũng như hạ tầng dân sinh vẫn chưa hoàn thiện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại các khu TĐC hiện mới chỉ có khoảng 100 hộ chuyển đến và cơ bản đã ổn định cuộc sống, số còn lại gần như đang bỏ hoang. Trong đó, các khu TĐC khác như Hải Thành, An Lộc vẫn chưa hoàn thành hạ tầng đường giao thông, điện, nước... Do bị sạt lở nghiêm trọng, nên 35 hộ dân xóm Tân An đã chuyển đến sinh sống ở khu TĐC An Lộc, nhưng phải chấp nhận cảnh không điện, thiếu nước sinh hoạt và đường giao thông. Hiện, nhiều hộ dân ở đây vẫn đang mòn mỏi trông chờ động thái tích cực từ các cơ quan chức năng.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, các khu TĐC vẫn còn khá vắng vẻ. Một số lô chỉ hoàn thành xong bộ móng hoặc phần thô của ngôi nhà rồi bỏ dở, có hộ đã xây xong một căn nhà tạm nhưng chỉ khi đến mùa mưa bão mới lên ở, còn ngày bình thường vẫn đóng cửa im ỉm. Một người dân thôn An Lộc chia sẻ bức xúc: "Mùa mưa bão đến cứ lo ngay ngáy, tui cũng muốn vào khu TĐC lắm, nhưng nơi ở mới chưa làm xong đường sá, điện nước còn thiếu thốn thì làm sao chúng tôi ở được, con cái làm sao mà học hành".

Cơ sở hạ tầng ở các khu TĐC vẫn còn dang dở nên người dân e ngại khi chuyển đến. Ảnh: Châu An

Bên cạnh cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, thì việc đến nơi ở mới cũng gây nhiều trở ngại cho cuộc sống của người dân. Ông Trần Dờ (thôn Tân Thành) chia sẻ: "Người dân biển như tui bao đời nay chỉ có nghề đánh bắt trên biển để mưu sinh, nay lên khu TĐC, đất sản xuất không có lại xa biển, không thuận lợi cho công việc nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, dự án cấp đất cho người dân khu TĐC được triển khai, theo đó, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà ở, trên diện tích mỗi lô được phân là 200m2 nhưng hiện mới chỉ có rất ít hộ chuyển đến các khu TĐC. "Ngoài lý do cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng hoặc đang còn dang dở thì do đa phần những hộ dân sống ở vùng sạt lở đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hỗ trợ cho các hộ dân TĐC thấp nên người dân chưa đủ điều kiện để xây nhà ở khu TĐC" - ông Duận giải thích thêm.

Hiện, hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn vẫn đang liều mình tiếp tục sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong khi đó, ý kiến, nguyện vọng của người dân lại chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Liệu đến bao giờ người dân mới được an cư? Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên để người dân có thể yên tâm chuyển đến khu TĐC, sớm ổn định cuộc sống.

Châu An

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vi-sao-nguoi-dan-vung-sat-lo-o-thua-thien-hue-khong-man-ma-voi-khu-tai-dinh-cu/