Vì sao người bệnh tâm thần phân liệt cần tuân thủ điều trị?

Tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số thế giới. Không tuân thủ điều trị là nguyên nhân chính khiến bệnh tái phát, gây mất khả năng điều trị, ảnh hưởng nặng nề đến cả cá nhân người bệnh và toàn xã hội.

1. Vai trò của thuốc trong điều trị tâm thần phân liệt

Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt hiệu quả bao gồm sử dụng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý, hỗ trợ xã hội và giáo dục gia đình, hỗ trợ nghề nghiệp, điều trị các bệnh lý mắc kèm. Hầu hết người bệnh sẽ đáp ứng với sự kết hợp này, nhưng kế hoạch điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân.

Hiện thuốc chống loạn thần là nền tảng của việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Thuốc điều trị các triệu chứng loạn thần đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt, bằng cách ảnh hưởng đến hệ thống dopamin trong não.

Tuân thủ điều trị và uống thuốc với người bệnh tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn.

Tuân thủ điều trị và uống thuốc với người bệnh tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn.

Có hai loại thuốc chống loạn thần: Thuốc thế hệ thứ nhất, cũ hơn, thường gây ra tác dụng phụ và thuốc thế hệ thứ hai, mới hơn thường ít tác dụng phụ hơn.

Điều trị bằng thuốc chống loạn thần thường đòi hỏi phải thử nhiều hơn một loại thuốc hoặc đôi khi kết hợp nhiều loại thuốc. Mục tiêu là sử dụng liều thấp nhất có thể để kiểm soát tối đa các triệu chứng với ít tác dụng phụ nhất.

Để đạt được mục tiêu đó, bệnh nhân có thể cần thử nhiều loại thuốc. Vì vậy, người bệnh và gia đình cần phải kiên trì cho đến khi tìm được một kế hoạch điều trị có hiệu quả tối đa với tác dụng phụ tối thiểu. Thuốc cũng được coi là một phần của kế hoạch điều trị dài hạn và giúp ngăn ngừa các đợt loạn thần tái phát.

Tuy nhiên, điều trị lâu dài bằng thuốc chống loạn thần có liên quan đến nhiều tác dụng phụ, tuân thủ điều trị kém và tỷ lệ ngừng thuốc cao.

2. Một số rào cản trong việc tuân thủ điều trị của người bệnh tâm thần phân liệt

Việc không tuân thủ điều trị là nguyên nhân chính khiến bệnh tái phát gây mất khả năng điều trị ảnh hưởng nặng nề đến cả cá nhân người bệnh và toàn xã hội.

Hiện thuốc chống loạn thần là nền tảng của việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

Dưới đây là một số lý do gây trở ngại trong quá trình sử dụng thuốc điều trị của người bệnh:

Nhận thức sai về bệnh: Do phần lớn người bệnh không nhận thức được rằng mình đang bị bệnh, nên có thể từ chối việc uống thuốc. Trên thực tế, việc không có khả năng nhận ra rằng mình bị bệnh là một đặc điểm chung của bệnh tâm thần phân liệt.
Nghi ngờ thuốc là nguồn gây bệnh: Nếu hoang tưởng là một trong những triệu chứng của bệnh, người bệnh có thể cảm thấy rằng thuốc là một phần của âm mưu gây hại cho họ.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số tác dụng phụ của thuốc có thể là trở ngại khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Nguyên nhân khác: Có thể có những lúc người bị tâm thần phân liệt không muốn dùng thuốc vì cảm thấy khỏe hơn hoặc có thể quên dùng thuốc thường xuyên, do lối sống vô tổ chức hoặc các vấn đề về trí nhớ.

Do đó, việc tuân thủ điều trị và uống thuốc với người bệnh thường gặp khó khăn. Nếu thuốc được kê đơn, gia đình có thể hỗ trợ người bệnh để đảm bảo thuốc được dùng thường xuyên. Sự khuyến khích và nhắc nhở từ các thành viên trong gia đình có thể giúp việc dùng thuốc trở thành thói quen hàng ngày của người bệnh.

Tuân thủ điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh đồng thời cải thiện chất lượng sống cho cả người bệnh và gia đình.

Ds. Phạm Thu Quế

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-nguoi-benh-tam-than-phan-liet-can-tuan-thu-dieu-tri-16923060511261356.htm