Vì sao người bệnh không mặn mà thanh toán không dùng tiền mặt?

Đa phần bệnh nhân có thu nhập thấp và trung bình. Họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và còn khá mơ hồ với khái niệm thẻ.

Hiện nay, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện cũng đã áp dụng nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh minh họa)

Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh minh họa)

Mỗi ngày, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương có khoảng trên 2.000 bệnh nhân tới thăm khám và điều trị các bệnh lý về nội tiết và rối loạn chuyển hóa. Tại các quầy thu ngân, thanh toán viện phí ra và vào viện, bệnh nhân luôn phải xếp hàng chờ tới lượt và chuẩn bị lượng tiền mặt cần thiết để thanh toán viện phí cho bệnh viện. Với đa phần bệnh nhân là những người lớn tuổi, thói quen sử dụng tiền mặt với họ được coi là thuận tiện và phù hợp.

Bà Trần Thị Thoa (62 tuổi, quê ở Nam Định) đi siêu âm tuyến giáp tại bệnh viện này chia sẻ, bà không có hiểu biết về công nghệ thông tin nên việc dùng tiền mặt để thanh toán các khoản khi đi khám chữa bệnh với bà là thuận tiện.

Ông Phạm Hồng Thái (ở Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, lâu nay người bệnh vào viện khám, điều trị thường có thói quen trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, với những bệnh nhân ở xa, việc cầm nhiều tiền mặt bên người cũng khá lo lắng, mất an toàn.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám mỗi ngày rất đông. Trong suốt quá trình khám bệnh, bệnh nhân phải làm các bước như xếp hàng lấy số thứ tự khám bệnh, rồi đến quầy thu tiền xếp hàng nộp chi phí khám, chữa bệnh. Mỗi lần phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân lại phải quay lại quầy thu viện phí, đóng tiền, lấy phiếu rồi quay trở lại làm xét nghiệm. Điều này rất bất tiện với các bệnh nhân, đặc biệt là các sản phụ.

“Với những người bình thường, việc lấy số xếp hàng, chờ đóng tiền, làm các thủ tục thì đã mất rất nhiều thời gian, huống chi là các bà bầu, đặc biệt là những sản phụ tuổi thai cao đi lại nặng nề, phải đi đóng các khoản, đứng xếp hàng cũng rất mệt mỏi”- chị Đinh Thị Hồng, ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, qua khảo sát tại các cơ sở y tế, hầu hết người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán. Bên cạnh đó, các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích cũng như các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp; Chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Tường cũng cho rằng, hiện phí thanh toán các giao dịch điện tử không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, … chưa kết nối liên thông với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán viện phí giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau khi cùng cung cấp dịch vụ thanh toán trong cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được triển khai ở bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn chủ yếu là từ phía ngân hàng và bệnh nhân. Bởi, đa phần bệnh nhân có thu nhập thấp và trung bình, nhiều người bệnh làm nông nghiệp hoặc sống tại khu vực miền núi, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và còn khá mơ hồ với khái niệm thẻ, tài khoản.

Đối với ngân hàng, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối phần mềm thanh toán với hệ thống chương trình của bệnh viện và thời gian giải quyết sự cố nạp tiền, rút tiền và hoàn tiền vào thẻ chưa nhanh chóng kịp thời gây phản ứng ngược với mục tiêu đề ra./.

Theo báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN - Ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" do NH Standard Chartered công bố, tỷ lệ người dân (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ATM khá thấp so với các nước trong khu vực.Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam chỉ 30,8%, trong khi tỷ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17% .

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-nguoi-benh-khong-man-ma-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-962658.vov