Vì sao nghệ sĩ 'khóc ròng'?

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 16/2015/NĐ-CP), những bất cập đang khiến các đơn vị nghệ thuật gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Đó là nguyên nhân chính khiến các nghệ sĩ đại diện nghệ sĩ Thủ đô 'kêu khổ' trong buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội mới đây.

Bất cập trong thực hiện tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật

NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, hiện nay biên chế dành cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ không có, buộc Nhà hát phải ký hợp đồng dẫn đến khó khăn trong chi trả lương. 2 tháng đầu năm đơn vị chỉ trả được lương trong biên chế, còn lương hợp đồng thì không có.

“Sinh lão bệnh tử, ốm đau phải đến bệnh viện; con cái phải đi học là những thứ bắt buộc. Nhưng, đưa người dân đến với sân khấu không phải bắt buộc mà là tự nguyện. Để văn hóa tự chủ là câu chuyện cực kỳ khó, làm sao Thành ủy và các lãnh đạo thấu hiểu tình cảnh của văn nghệ sĩ để có cơ chế đặc thù cho anh em”, NSND Trung Hiếu bày tỏ. Ông mong muốn Thành ủy, UBND thành phố sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm để Nhà hát có cơ sở tuyển thêm biên chế cho đội ngũ nghệ sĩ, bớt hợp đồng ngắn hạn "thì mọi người đỡ vất vả".

Một cảnh trong vở “Nghêu Sò Ốc Hến” của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Một cảnh trong vở “Nghêu Sò Ốc Hến” của Nhà hát Chèo Việt Nam.

NSND Trung Hiếu cũng cho hay, số lượng các diễn viên trong biên chế đa phần đều trên 40 và dưới 60 tuổi, không thể đóng vai chính được. “Đóng vai chính phải trẻ đẹp, là những diễn viên showbiz nhưng tất cả số lượng diễn viên ấy đều không nằm trong biên chế vì hết chỉ tiêu, muốn tuyển phải có cơ chế nhất định để anh em được phát triển”, ông Hiếu nêu ý kiến.

NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng cho hay, đầu năm đến nay đơn vị chưa trả được lương cho nhân sự hợp đồng ngắn hạn, cơ chế vấp rất nhiều, mỗi năm một kiểu. Mỗi khóa diễn viên ra trường chỉ tuyển được 1-2 người, nếu không được thanh toán lương thường xuyên thì mấy chục người của các đơn vị cộng lại rời khỏi Hà Nội, sẽ không có người làm việc.

Không chỉ những nhà hát của Hà Nội gặp khó khăn. Theo NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, các nhà hát nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương hiện nay gặp khó khăn rất lớn. Trong đó câu chuyện giảm biên chế, không dùng ngân sách trả lương đối tượng hợp đồng là một trở ngại lớn trong hoạt động của các nhà hát.

NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, hơn 7 năm qua, Nhà hát không thi viên chức trong khi chỉ tiêu vẫn thiếu. Điều bất cập là việc duy trì hợp đồng với đối tượng diễn viên trẻ cũng không còn được thực hiện. "Đội ngũ diễn viên trẻ của nhà hát chúng tôi hiện nay hầu hết là lực lượng lao động hợp đồng. Nay chúng tôi không được thực hiện ký hợp đồng lao động nữa mà chuyển sang khoán chuyên môn, không được đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, lấy gì để duy trì và thu hút các em trẻ theo nghề? Trong khi đó, lực lượng trong biên chế thì hầu hết đã quá tuổi lên sân khấu nhưng lại chưa đến tuổi nghỉ hưu, thực sự chúng tôi rất trân trọng nhưng vẫn phải nói đó là gánh nặng cho các nhà hát"- NSND Thanh Ngoan nói.

Còn NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: "Nghề xiếc là nghề đặc thù và vô cùng khắc nghiệt. Rèn luyện lâu năm nhưng tuổi nghề ngắn. Với những nghệ sĩ như uốn dẻo, nhào lộn trên không... thì không có ai còn biểu diễn được quá 35 tuổi. Từ tuổi đó đến khi đủ tuổi về hưu, nghệ sĩ xiếc sẽ "ngồi chơi ăn lương". Những nghệ sĩ trong biên chế đều là những người đã cống hiến, đã lao động nghệ thuật nhiều năm, không thể tính chuyện giảm biên chế, sa thải một cách cơ học như các lĩnh vực ngành nghề khác. Nếu không có ngân sách thì không thể trả lương cho họ được".

Không còn nghệ thuật nếu thực hiện kiểu “đổ đồng”

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay của nghệ thuật truyền thống là bài toán con người. Nhà hát Tuồng vẫn thiếu 30 chỉ tiêu biên chế nhưng trong 10 năm qua, không có một lớp đào tạo diễn viên tuồng nào để có nguồn nhân lực.

Nhờ đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thực hiện từ năm 2014 đến 2018 Nhà hát tuyển được 36 diễn viên, nhạc công trẻ, duy trì bằng hợp đồng lao động. "Chúng tôi đã rất cố gắng để các em có việc để làm, tiền bồi dưỡng biểu diễn, có nhà công vụ để ở miễn phí. Tuy nhiên, dẫu thế nào thì thu nhập của diễn viên tuồng quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, ngay ở quá trình tập sự thì có tới 9 em bỏ nghề đi làm kinh doanh hoặc đi hát tự do" - ông Tuấn chia sẻ.

Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là một chủ trương lớn được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ thời kỳ đổi mới. Việc thực hiện xã hội hóa cũng là xu hướng tất yếu khi ngân sách không thể mãi "bao bọc" các hoạt động này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để nhân lên cái "được", hạn chế cái "mất" là điều cần bàn. Theo các nghệ sĩ, cần cơ chế đặc thù cho các đơn vị nghệ thuật khi thực hiện tự chủ.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, đối với nghệ thuật vũ kịch, nếu cứ áp dụng giảm biên chế và bỏ hợp đồng lao động thì không còn nghệ thuật vũ kịch. "Dựng một vở nhạc vũ kịch phải hàng trăm nghệ sĩ. Trong khi với đặc thù nghề nghiệp, 35 tuổi thì không còn nghệ sĩ nào lên sân khấu múa ballet được nữa. Từ lúc đó đến khi về hưu, họ có gần 30 năm hưởng lương mà không làm gì. Trong khi người trẻ vào Nhà hát thì lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Hiện tại chúng tôi không có solist (diễn viên chính). Nếu không có cơ chế đặc thù mà đổ đồng mọi loại hình nghệ thuật cùng thực hiện quy định thì không thể còn nghệ thuật nữa" - NSƯT Trần Ly Ly cho biết.

Được biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn trong 3 năm vừa qua đã đề xuất xin Bộ VH-TT&DL phê duyệt đề án đào tạo diễn viên cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, khi đào tạo xong, chính các em lại không về nhà hát vì "không có chỗ" mà về. Vì hợp đồng không được ký, chỉ thực hiện khoán chuyên môn với số tiền rất thấp so với thị trường. Sự chênh lệch chế độ đãi ngộ đã chi phối rất lớn đến đội ngũ nhân lực trong ngành nghệ thuật. Nếu đơn vị có 12 NSƯT, NSND không lên sân khấu nữa nhưng chưa đủ tuổi về hưu thì đơn vị đó tự kiếm tiền trả lương cho các nghệ sĩ.

Cần một chiến lược lâu dài và tổng thể

Câu chuyện các nghệ sĩ Hà Nội “kêu khổ” với lãnh đạo thành phố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những bất cập trong việc thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã được nhắc đến nhiều song trong thời gian qua, chưa có giải pháp cụ thể nào được đề xuất nhằm tháo gỡ những bất cập này. Rõ ràng, gỡ khó cho các nhà hát, các nghệ sĩ, đòi hỏi một chiến lược lâu dài và tổng thể.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội khẳng định, sẽ tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém; trên cơ sở đó, tích cực phối hợp tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhất ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; phát triển văn hóa, thể thao xứng tầm vị thế Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho rằng các Nhà hát cần nỗ lực, chủ động trong việc tìm kiếm, lựa chọn đội ngũ kế cận bằng cách xuống các nhà trường, kết nối đào tạo hoặc chọn vào đề án đào tạo tài năng. Bên cạnh đó, để có nguồn thu trả lương cho các đối tượng hợp đồng, các nhà hát tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, chủ động tổ chức các show diễn, nghiên cứu để thu hút khán giả. Thời gian qua, các nhà hát đều gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL sẽ giao Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống. Chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao.

Nghệ sĩ biểu diễn vở “Hồ Thiên Nga”.

Một giải pháp để các nhà hát có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình một cách dài hơi, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, các nhà hát cần nghiên cứu, xây dựng những chương trình nghệ thuật thành sản phẩm du lịch. Các chương trình đó sẽ mang bản sắc của từng loại hình nghệ thuật của Việt Nam, vừa thu hút khán giả, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần tạo hứng khởi trong sáng tạo nghệ thuật cho các nghệ sĩ.

Ông cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn của chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VH-TT&DL là làm sao xây dựng được những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Vì vậy, trách nhiệm của các Nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VH-TT&DL là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển hơn.

Cả nước hiện có khoảng 110 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, còn lại là các tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao. Trong đó, phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã bộc lộ rất nhiều bất cập từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương tới địa phương.

Thảo Nguyên

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/vi-sao-nghe-si-khoc-rong-633479/