Vì sao nghề bếp Việt Nam vẫn chưa ngang tầm thế giới?

Tại Việt Nam, nghề đầu bếp hiện chỉ được đào tạo chuyên sâu tại các trường cao đẳng, trung cấp và trường nghề.

Chưa hề có bậc đại học dành riêng cho nghề này. Tuy nhiên trong ngành du lịch, người đầu bếp đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng trải nghiệm ăn uống của thực khách. Đến nay, vẫn chưa có cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng đầu bếp lành nghề.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đầu bếp - người quyết định chất lượng ẩm thực

Năm 2018, cư dân mạng thích thú lan truyền video clip của đầu bếp nổi tiếng thế giới người Anh Gordon Ramsay thưởng thức món hủ tiếu trên thuyền ở miền sông Tây Nam Bộ. Độ mê mẩn của vị đầu bếp đã từng nhận đến 16 ngôi sao Michelin sâu sắc đến mức ông đã đưa món ăn này thành đề tài cho các đầu bếp đã lọt vào top 5 trong chương trình Masterchef Mỹ mùa thứ 4 (năm 2013).

Một điều thú vị khác nằm ở chỗ, khi được Gordon Ramsay hỏi về nguồn gốc của công thức nước dùng hủ tiếu có thể ngon đến vậy thì dì Hai – người làm món ăn này đã trả lời đơn giản: “Mình đi ăn rồi tự mình học nấu thôi”. Gordon cho rằng phần nước dùng này ngon hơn nhiều nhà hàng Việt Nam tại Luân Đôn mà ông đã từng thử.

Có thể không lạ đối với người Việt khi đầu bếp, người chế biến món ăn thường không phải trải qua bất kỳ trường lớp nào những lại có thể làm ra những món ăn ngon miệng, thậm chí tuyệt hảo đối với khẩu vị của người nước ngoài. Trong khi đó, tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… việc hành nghề nấu nướng đều phải trải qua trường lớp và được cấp chứng chỉ hành nghề, kể cả khi đầu bếp chỉ chế biến một món duy nhất là gà rán.

Hủ tiếu Việt Nam làm mê mẩn đầu bếp lừng danh Gordon Ramsay.

Mấy năm gần đây, đầu bếp trở thành một nghề được xã hội quan tâm. Trong ngành du lịch, đầu bếp đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng trải nghiệm ẩm thực của du khách. Dù vậy người học nghề bếp vẫn chưa đủ đáp ứng về số lượng và chất lượng cho thị trường lao động Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung.

Theo một thống kê từ Bộ Lao động Mỹ, tuyển dụng nghề bếp tại các nhà hàng, khách sạn sẽ tăng 10% đến năm 2026, nhanh hơn mức trung bình của các ngành nghề khác. Còn theo Bộ Lao động Anh, số lượng bếp trưởng tại Anh đang là 285.000 người và đầu bếp là 77.000 người.

Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành nhà hàng - khách sạn của cả nước trung bình tăng 15%/năm. Theo đó, các nhà hàng, khách sạn trong nước đều đang “khát” những đầu bếp có trình độ tay nghề cao, phẩm chất đạo đức tốt và có kỹ năng quản lý.

Hiện nay, không nhiều khách sạn, nhà hàng tại Việt Nam nào đòi hỏi người làm bếp phải có bằng đại học mà đề cao kỹ năng và kinh nghiệm làm việc thực tế ở những vị trí tương đương. Chức vụ cao tương ứng với tay nghề vững vàng qua số năm kinh nghiệm hành nghề.

Việt Nam có nền ẩm thực phong phú nhưng bao nhiêu năm vẫn không có món ăn mới.

Hầu hết trên các trang website tuyển dụng trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn như hoteljob.vn, chefjob.vn, hotelcareer.vn… đều không thấy xuất hiện yêu cầu bằng cấp ở mục “Yêu cầu công việc” của ứng viên.

Một thực tế khác là phần lớn các đầu bếp tại nước ta đều chủ yếu là tự học. Cũng như câu chuyện của dì Hai có món hủ tiếu làm mê mẩn vị đầu bếp lừng danh, người muốn theo đuổi nghề bếp thường đi ăn ở đâu đó rồi cảm thấy yêu thích hương vị nên về nhà tự học theo hoặc muốn chế biến theo cách riêng của mình.

Sau đó, người này có thể xin vào học việc ở vị trí phụ bếp tại một số nhà hàng, khách sạn, quán ăn hay cơ sở kinh doanh ăn uống quy mô nhỏ. Sau khi làm quen với môi trường làm việc, học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng chế biến các món cơ bản đến các món chính, họ có thể ứng tuyển cho các vị trí bếp chính, bếp trưởng hoặc tham gia các cuộc thi nấu ăn hay mở cơ sở ăn uống của riêng mình.

Nghề bếp tưởng dễ mà khó

Ngày càng nhiều khóa học ngắn hạn, dài hạn cấp chứng chỉ về nấu ăn tuy nhiên hiện vẫn chưa có chuyên ngành đại học chuyên về đầu bếp. Trên thực tế, nghề đầu bếp không hề đơn giản như mọi người nghĩ.

Nhìn từ những nền ẩm thực nổi tiếng trên thế giới, đội ngũ đầu bếp giỏi chuyên môn, vững tay nghề thường đều được đào tạo bài bản để đáp ứng hiệu quả yêu cầu công việc dưới áp lực lớn, tần suất cao, trong những nhà hàng quy mô lớn, khách sạn 5 sao, hay những bữa tiệc sang trọng.

Tất nhiên, bằng cấp không phải yếu tố duy nhất xác định trình độ tay nghề của đầu bếp nhưng là bằng chứng cho thấy người này đã được trang bị kiến thức cơ bản về nấu ăn cũng như các kiến thức về an toàn thực phẩm, quy tắc đạo đức của người làm bếp…

Mặt khác, kỹ năng của đầu bếp cũng là một trong các tiêu chí đánh giá một nhà hàng có xứng đáng ngôi sao Michelin hay không. Kỹ năng làm bếp cơ bản nhất là các kỹ thuật sử dụng dao (bảo quản dao như thế nào, thớt nào dao nấy, dùng dao tương ứng với loại nguyên liệu cần thái…); khả năng nêm nếm (kiểm soát hương vị, điều chỉnh hương vị khi nêm gia vị quá tay…); và kỹ năng kiểm soát nhiệt độ (nắm rõ nhiệt độ lý tưởng, điều chỉnh độ chín của món ăn với từng phương pháp nấu khác nhau như nướng, xào, chưng, hấp, chiên, quay, luộc hầm…)

Bên cạnh kỹ năng nấu nướng, đầu bếp còn phải biết kiểm tra nguyên liệu, giữ gìn khu bếp sạch sẽ, hợp vệ sinh, nắm được tình trạng hoạt động của hệ thống bếp nấu, tủ trữ đông… Người đầu bếp chuyên nghiệp cũng sẽ tự mình xây dựng quy trình nấu và phục vụ bài bản, tư vấn khách hàng cặn kẽ.

Ngoài ra những đầu bếp nổi tiếng còn có khả năng sáng tạo ra những món ăn mới. Quy trình sáng tạo này không hoàng toàn cảm tính mà dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc, kinh nghiệm và cảm nhận riêng của người đầu bếp.

Với những vị trí như bếp trưởng trong các nhà hàng, khách sạn chuyên nghiệp đòi hỏi cả kỹ năng lãnh đạo, tức là họ cần biết giao việc cho các như sự phòng bếp như phụ bếp, bếp phó…nhằm đảm bảo hiệu suất và hiệu quả công việc ở mức tối đa.

Quả thực, kỹ năng của người đầu bếp không chỉ quyết định chất lượng thực phẩm mà còn cả trải nghiệm ẩm thực của thực khách tại tiệm ăn, nhà hàng. Tuy nhiên, số lượng đầu bếp chất lượng cao tại Việt Nam hiện nay vẫn là một ẩn số.

Thậm chí cũng khó có thể quản lý được chất lượng đầu bếp. Ví như, có người có kỹ năng tốt nhưng khả năng nêm nếm bình thường; có người lành nghề nhưng lại không giữ gìn bếp núc sạch sẽ, cẩn thận…

Đáng suy ngẫm, Việt Nam tuy có một nền ẩm thực phong phú, đặc sắc nhưng bao nhiêu năm nay ta vẫn chưa có những món ăn mới thực sự gây tiếng vang với nước ngoài, cũng chưa có một sao Michelin nào về ẩm thực.

Diệu Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vi-sao-nghe-bep-viet-nam-van-chua-ngang-tam-the-gioi-d131470.html