Vì sao ngày càng nhiều sinh viên thờ ơ với ngành nông - lâm nghiệp?

Việc làm rộng mở, điểm chuẩn thấp nhưng SV thờ ơ với ngành Nông nghiệp khiến trường đại học đào tạo ngành này tuyển sinh 'lắt nhắt'.

Dễ thấy, sinh viên ngày càng thờ ơ với nhiều ngành học truyền thống, trong đó có ngành . Đáng nói, dù hầu hết các trường đại học điều chỉnh điểm trúng tuyển ở mức thấp, thậm chí có trường ngang ngửa điểm sàn cùng với chương trình hỗ trợ hấp dẫn, nhưng công tác tuyển sinh đối với các ngành học này vẫn rất “eo hẹp”.

Sinh viên “thờ ơ” với các ngành đào tạo Nông - Lâm nghiệp

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp, thế nhưng, những năm qua, công tác tuyển sinh các ngành học này của Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều giải pháp được tích cực triển khai nhưng vẫn không đủ sức hút đối với sinh viên.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang cho biết, một số ngành đào tạo về Nông – Lâm nghiệp “có tiếng” của trường nhưng ngày càng ít thí sinh “để mắt” tới dù trường rất quan tâm chào đón, cùng nhiều hứa hẹn, thậm chí cam kết hỗ trợ việc làm với mức lương ổn định sau khi sinh viên ra trường.

Tiến sĩ Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang. (Ảnh: website Nhà trường).

Tiến sĩ Mai Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang. (Ảnh: website Nhà trường).

“Cũng giống như các trường đại học, cao đẳng đào tạo về Nông – Lâm nghiệp, những năm gần đây, khối ngành Nông – Lâm nghiệp của trường rất ít thí sinh lựa chọn. Các ngành truyền thống mang “thương hiệu” của Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang như Chăn nuôi, Thú y, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Quản lý tài nguyên rừng… dù được hỗ trợ, đầu tư thường xuyên từ các doanh nghiệp nhưng vẫn khó tuyển sinh”, Tiến sĩ Mai Thị Huyền chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân khó tuyển sinh, vị Tiến sĩ này nhận định: “Không lựa chọn học ngành Nông - Lâm nghiệp là do phần lớn các em học sinh chưa thực sự hiểu nghề và cho rằng học nông nghiệp thì khi đi làm sẽ vất vả, hay học lâm nghiệp thì chỉ quanh quẩn ở trong rừng, trên đồi, núi.

Hay có không ít phụ huynh nghĩ rằng, nông nghiệp là ngành học cũ, “lỗi mốt” và ít cơ hội việc làm nên "chăm chăm" định hướng cho con em đăng ký các ngành học mới, theo xu hướng công nghệ, hiện đại hóa, mức lương ổn định hơn như Logistics, Kỹ thuật ô tô, Marketing…

Với những lý do đó đã khiến cho ngành Nông – Lâm nghiệp của trường nói riêng và của các trường đào tạo về Nông – Lâm – Ngư nghiệp nói chung có tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển với xu hướng ngày càng thấp.

Cùng bàn luận về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, các ngành Nông nghiệp khó tuyển sinh là tình trạng chung của hầu hết các trường đại học đào tạo ngành này. Thực tế, đã có nhiều chính sách, ưu đãi, biện pháp truyền thông được đẩy mạnh để thu hút sinh viên nhưng kết quả mang lại chưa cao.

“Dễ thấy, những thí sinh đăng ký học nông nghiệp có đặc điểm chung đó là các em thường ở vùng quê, gia đình làm nông nghiệp. Các em học nông nghiệp với mục đích chủ yếu là để phụ giúp gia đình trong chăn nuôi, trồng trọt.

Trong quá trình học, những sinh viên học tốt và có đam mê nghiên cứu sâu thì có thể pahts huy năng lực, vươn xa ở các ngành học này. Bởi, nếu so sánh với các ngành học khác, thì nông nghiệp vẫn là ngành chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền cơ cấu kinh tế nước ta nên tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật vào nông nghiệp như hiện nay”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng, ngành Nông nghiệp có vai trò rất quan trọng nên cơ hội việc làm rộng mở ở hiện tại và tương lai. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng tỷ lệ sinh viên theo học, học thực chất và mang lại hiệu quả.

“Có thể nói, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh rất lớn trong đào tạo lĩnh vực Nông nghiệp. Song, những năm gần đây, việc tuyển sinh đối với các ngành học này cũng vô cùng khó khăn.

Đáng ra, những ngành học thế mạnh của trường phải có điểm chuẩn cao để tương xứng với chất lượng giáo dục đào tạo của trường. Thế nhưng, điểm chuẩn những năm gần đây khá thấp. Qua đây, cũng phải nhấn mạnh rằng, điểm chuẩn thấp không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo không tốt. Bởi, phần lớn thí sinh có học lực tốt thường ít hướng mục tiêu vào các ngành Nông nghiệp.

Chỉ những sinh viên nào thực sự đam mê và muốn phát triển thì mới đăng ký học. Trường sẽ tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, cử đi học tập và nghiên cứu ở các nước hàng đầu về lĩnh vực Nông nghiệp”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng chia sẻ thêm.

Nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp đang rất lớn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng thực tế, số lượng sinh tốt nghiệp ra trường hàng năm thường không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo của các trường dù rất lớn nhưng khoảng 5 năm gần đây, những ngành thuộc khối Nông – Lâm nghiệp khó đạt số lượng tuyển sinh.

“Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhỏ ở trong nước và quốc tế có nhu cầu "săn" nhân sự là sinh viên nhưng trường "không có sẵn" do nguồn đào tạo khiêm tốn”, Tiến sĩ Mai Thị Huyền chia sẻ khó khăn.

Nhiều giải pháp “chiêu mộ” nhưng công tác tuyển sinh vẫn “lắt nhắt”

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo trường đại học đào tạo khối ngành Nông – Lâm nghiệp, để giải quyết bài toán tuyển sinh “lắt nhắt”, nhiều biện pháp, chương trình học bổng, cải tiến phương pháp đào tạo đã được các trường chủ động triển khai.

Theo Tiến sĩ Mai Thị Huyền, để thu hút sinh viên, nhà trường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong công tác giáo dục đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đại học.

Đồng thời, trong quá trình đào tạo, trường triển khai nhiều chính sách ưu đãi khác như: Cam kết tìm việc làm 100% sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp đối với tất cả các ngành học.

Áp dụng chương trình học bổng miễn phí 100% cho 3 nhóm ngành trong đề án đào tạo thí điểm Kỹ thuật nông nghiệp tiềm năng có chuyên môn, nghiệp vụ cao ở các ngành Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Công nghệ thực phẩm. Ngoài ra, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc ở từng năm học còn được nhận học bổng hấp dẫn từ các nguồn xã hội hóa khác.

“Với các em sinh viên, đây là những “phần thưởng” có ý nghĩa khích lệ tinh thần học tập, thúc đẩy niềm say mê nghiên cứu và nuôi dưỡng tình yêu dành cho ngành Nông nghiệp. Để từ đó, các em có thêm động lực để làm mới bản thân, làm mới ngành học và ổn định công việc sau khi ra trường”, Tiến sĩ Mai Thị Huyền chia sẻ.

Tiến sĩ Mai Thị Huyền cũng phân tích, điểm chuẩn đầu vào đối với các ngành Nông – Lâm nghiệp của trường thấp, gần như bằng điểm sàn là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là khó khăn trong công tác đào tạo của các trường đại học nói chung và Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang nói riêng. Tuy nhiên, cần lưu ý, điểm chuẩn thấp không có nghĩa là chất lượng đào tạo của nhà trường không cao. Điều này được chứng minh qua sự đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo tiên tiến, bắt nhịp xu hướng “nông nghiệp số” của nhà trường, đặc biệt, không ít thế hệ sinh viên ra trường giữ các chức vụ, vị trí cao trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

“Những khóa trước, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã rất thành công. Trong đó, một số lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn, doanh nghiệp được đào tạo, trưởng thành từ ngành nghề truyền thống của nhà trường đã tuyển dụng sinh viên của trường về làm việc tại các doanh nghiệp”, Tiến sĩ Mai Thị Huyền chia sẻ.

Để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, nhà trường đổi mới đào tạo theo định hướng ứng dụng, tăng tỷ lệ thực hành và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Trường cũng áp dụng các trang thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp hiện đại, tiên tiến trên thị trường vào giảng dạy nhằm giúp sinh viên tiếp cận sớm với công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tự tin làm việc khi ra trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, mới đây, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đẩy mạnh liên kết với các trường đào tạo Nông – Lâm nghiệp nước ngoài để làm cầu nối giữa sinh viên với doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, cử sinh viên đi thực tập và làm việc tại Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc, Israel, Trung Quốc, Đức...

Cụ thể, với chương trình này, sinh viên có 3 năm đào tạo tại trường và 1 năm thực tập ở nước ngoài. Sắp tới, trường tiếp tục xây dựng chương trình liên kết đào tạo 2 năm tại trường và 2 năm ở nước ngoài.

Có thể thấy, các chương trình này nhằm tăng góc nhìn mới về ngành nông nghiệp cho sinh viên, gia tăng cơ hội việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn. Đồng thời, góp phần giao thoa các nền kinh tế và rút ngắn khoảng cách về trình độ kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo các chuyên gia dự báo, ngành Nông – Lâm nghiệp đang rất “khát” nhân lực, rộng mở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự quan tâm của sinh viên cũng như cha mẹ đến ngành học "mũi nhọn" này chưa nhiều. Do đó, điều tiên quyết là cần thay đổi tư duy, nhìn nhận đúng tương lai của ngành để không bỏ lỡ cơ hội việc làm, góp phần xây dựng nền kinh tế Nông - Lâm nghiệp theo chủ trương phát triển đất nước.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-sinh-vien-tho-o-voi-nganh-nong-lam-nghiep-post228674.gd