Vì sao ngành thuế muốn nắm thông tin tài khoản cá nhân?

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết việc ngành thuế nắm giữ các giao dịch ngân hàng sẽ giúp kiểm soát dòng tiền từ nước ngoài, tạo sự công bằng.

Theo quy định mới trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12, người đứng đầu cơ quan thuế được đề nghị ngân hàng cung cấp các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch của khách hàng.

Tuy nhiên, quy định này nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về tính bảo mật thông tin cá nhân, quyền công dân. Nhân dịp này, Zing đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Bà là một trong số những thành viên tham gia xây dựng dự thảo của Nghị định 126.

 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công.

"Không kiểm soát được nếu không có sự kết hợp với ngân hàng"

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết quy định mới xuất phát từ thực tế vấn đề quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cơ quan quản lý thuế có thể theo dõi các giao dịch ngân hàng, từ đây sẽ có cách quản lý thuế hiệu quả.

Hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên mạng xã hội có thể thu tiền về tài khoản, hoặc qua người giao hàng (qua shipper), nhận tiền mặt... Thậm chí, còn có các đối tượng cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung cho các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook và nhận tiền về mình.

Ngân hàng được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành thuế. Ảnh: Quang Thắng.

“Trên YouTube, lượng xem càng cao thì người sản xuất nội dung càng nhận được nhiều tiền. Số tiền đó được chuyển từ nước ngoài vào tài khoản cá nhân, cơ quan thuế sẽ không kiểm soát được nếu không có sự phối kết hợp với ngân hàng”, bà Cúc khẳng định.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế nhấn mạnh quy định mới nhằm tạo ra sự công bằng với những người kinh doanh truyền thống, vốn phải thuê cửa hàng, trụ sở, cộng thêm nhiều chi phí nhưng vẫn kê khai, nộp thuế đầy đủ. Trong khi đó, kinh doanh thương mại điện tử hiện đại hơn, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn thì lại không phải nộp thuế.

Bà Cúc nhìn nhận những quy định mới, bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của tổ chức tín dụng, ngân hàng trong Nghị định 126 là hoàn toàn phù hợp để đảm bảo bình đẳng giữa kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết ngành thuế đã trao đổi với các ngân hàng thương mại về trường hợp cá nhân nhận được tiền từ Facebook, Google, Youtube thông qua hoạt động dịch vụ, quảng cáo. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ liệt kê danh sách và cơ quan thuế sẽ mời những cá nhân này lên làm việc, tuyên truyền để tự giác kê khai nộp thuế.

“Đối với cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào danh sách các ngân hàng cung cấp về các khoản tiền nhận được từ nước ngoài để mời lên làm việc và cam kết thực hiện các nghĩa vụ”, ông Minh nói.

Ngành thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin

Đại diện Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cũng cho rằng trách nhiệm là cung cấp thông tin nhưng ngân hàng, cơ quan thuế phải đảm bảo bí mật thông tin người nộp thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

“Cơ quan thuế chỉ được phép cung cấp thông tin về thu nhập của người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế vi phạm pháp luật, đã yêu cầu nộp thuế, cưỡng chế thuế nhưng không nộp”, bà Cúc nói.

Theo quy định của Nghị định 126, việc cung cấp thông tin được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ khi Nghị định 126 có hiệu lực và cập nhật các thông tin về tài khoản hàng tháng trong 10 ngày đầu mỗi tháng.

Việc cung cấp các thông tin kể trên nhằm phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế cũng có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin kể trên theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật liên quan.

Nghị định 126 cũng yêu cầu ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.

Trao đổi với Zing, đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, quy định trên đang mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.

Đại diện một ngân hàng tư nhân tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết trước nay ngân hàng vẫn cung cấp các thông tin của khách hàng khi nhận được yêu cầu của các cơ quan hành pháp, tư pháp như cơ quan cảnh sát điều tra, công an, tòa án.

Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh thì khẳng định cơ quan thuế không phải là cơ quan hành pháp hay tư pháp nên theo Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan này.

Dưới góc độ nghiệp vụ, mỗi ngành đều chịu quản lý của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, trong luật ban hành quy phạm pháp luật có quy định trong trường hợp có sự “vênh” nhau giữa các văn bản cấp địa phương, trung ương, giữa văn bản nghị định, thông tư với luật thì phải áp dụng theo văn bản có giá trị cao nhất.

Trong trường hợp kể trên, Nghị định 126 mang tính hướng dẫn và “vênh” nhau với Luật các tổ chức tín dụng. Như vậy, các ngân hàng phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng trước. Nếu cơ quan thuế muốn ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng thì buộc phải sửa luật.

“Trường hợp cơ quan thuế dựa vào nghị định này để yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân khách hàng, ngân hàng cũng sẽ từ chối và bộ phận pháp chế của ngân hàng sẽ tham gia giải quyết”, vị này nhấn mạnh.

Hiếu Công - Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nganh-thue-muon-nam-thong-tin-tai-khoan-ca-nhan-post1156133.html