Vì sao Nga – Trung đổ xô tới châu Phi trong khi Mỹ tính đường lui?

Nga và Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Phi trong bối cảnh mới đây, Mỹ tuyên bố rút một phần binh sĩ đóng quân trên Lục địa Đen.

Theo Newsweek, Nga hiện nắm vai trò ngày càng lớn trong hoạt động hỗ trợ quân sự và cứu trợ nhân đạo với người dân bị ảnh hưởng trong cuộc chiến giữa chính phủ và phong trào nổi dậy ở Cộng hòa Trung Phi.

Trong bản báo cáo được hãng tin Al Jazeera công bố hôm 19/11, Cố vấn an ninh cấp cao của Cộng hòa Trung Phi Valery Zakharov cho hay “lập lại hòa bình là một thách thức và cũng không hề đơn giản, nhưng chúng tôi có thể đạt được mục tiêu này” nhờ mối quan hệ hợp tác với Nga. Điểm đặc biệt, ông Zakharov là một công dân Nga và đang giữ chức cố vấn an ninh cấp cao của Cộng hòa Trung Phi.

Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Trung Phi và Nga ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự song phương.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Nga lại vấp phải sự nghi ngờ từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington.

TASS đưa tin phản ứng trước những lời chỉ trích của Pháp tại Liên Hợp Quốc về việc Nga can thiệp quân sự vào Cộng hòa Trung Phi, hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh “dường như một số quốc gia đang tỏ ra ghen tỵ về mối quan hệ giữa Nga với Cộng hòa Trung Phi”.

Cũng theo TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov chia sẻ với các phóng viên rằng, “Nga sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Cộng hòa Trung Phi nếu cần thiết”.

Quốc gia liên tiếp rơi vào xung đột nhưng lại giàu tài nguyên này hiện là nơi hoạt động của khoảng 175 cố vấn dân sự và binh sĩ Nga.

Theo dự án nghiên cứu mang tên Chiến phí được Viện Các vấn đề Công cộng và Quốc tế Watson thuộc Đại học Brown tiến hành, Cộng hòa Trung Phi là 1 trong 26 quốc gia châu Phi mà quân đội Mỹ đã triển khai binh sĩ tới để hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố toàn cầu.

Dự án của Viện Watson chỉ ra rằng, Mỹ đã chi gần 6 ngàn tỷ USD cho chiến tranh với số người thiệt mạng ít nhất 500.000 người kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sau thảm họa 11/9.

Tại châu Phi, Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động từ chủ động tấn công chống lại các nhóm phiến quân hồi giáo như al-Shabab ở Somalia cho tới huấn luyện và cố vấn cho nhiều đội quân trên Lục địa Đen.

Tuy nhiên, do chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày càng tỏ ra lo ngại trước sức mạnh lớn của quân đội Nga và Trung Quốc, Mỹ đã cho rút một phần binh sĩ khỏi châu Phi để dồn lực lượng đối phó với 2 đối thủ đáng gờm.

Theo Lầu Năm Góc, số lượng quân nhân cắt giảm “không quá 10% trong tổng số 7.200 binh sĩ đang phục vụ trong Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM). Trong đó, phần lớn số quân nhân này được Mỹ điều động tới quốc gia Đông Phi Djibouti. Djibouti chính là nơi Mỹ cùng hàng loạt quốc gia khác đặt căn cứ quân sự bao gồm Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã cho mở cửa căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài và được đặt tại Djibouti. Thậm chí, quân đội Trung Quốc còn cho tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Djibouti. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho triển khai hàng loạt dự án đầu tư vào châu Phi bao gồm thành lập các công ty đầu tư kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên. Đây là một phần trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Song Mỹ lại xem hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là mối đe dọa tới chính lợi ích của quốc gia này đồng thời cảnh báo các nước châu Phi ngừng chấp thuận các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng thực tế, bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và phần lớn các quốc gia ở Lục địa Đen càng trở nên thân thiết.

Binh sĩ Trung Quốc tham gia huấn luyện gần căn cứ ở Djibouti.

Hồi tuần trước, trong bức thư gửi lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cùng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons đã bày tỏ mối quan ngại về hợp đồng thuê cảng container Doraleh giữa Djibouti và Tập đoàn DP World đặt trụ sở ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hết hạn vào tháng Hai. Tới tháng Chín, chính phủ Djibouti đã tiến hành quốc hữu hóa cảng Doraleh.

Theo hai thượng nghị sĩ Mỹ, nhiều nguồn tin cho rằng trong bối cảnh Djibouti đang là “con nợ lớn” của Trung Quốc, cảng Doraleh có thể được chuyển giao cho một công ty quốc doanh của Trung Quốc điều hành. Nếu đây là sự thật, Mỹ sẽ vô cùng quan ngại.

Giống Nga, Trung Quốc xem sự bất động của phương Tây đối với các vấn đề châu Phi như tại Cộng hòa Trung Phi là một cơ hội lớn.

Dấu ấn của Trung Quốc ở Cộng hòa Trung Phi được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý sau khi AP đăng tải thông tin hồi tháng trước, 3 công dân Trung Quốc làm việc cho công ty than ở Sosso-Nakombo bị một đám đông giận dữ sát hại. Trước đó, hồi tháng Bảy, 3 phóng viên người Nga cũng đã bị bắn chết trong một vụ phục kích.

Đáng nói, do phải đối mặt với sức ép và sự chỉ trích nặng nề từ phía Mỹ, Nga – Trung lại càng tỏ ra thân thiết hơn đặc biệt là trong quan hệ quốc phòng.

Ngoài quân sự, lĩnh vực kinh tế cũng đang chứng kiến những thay đổi lớn giữa Nga – Trung. Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai ca ngợi sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo Nga – Trung cũng cam kết mở rộng hoạt động thương mại song phương thông qua việc sử dụng đồng nội tệ để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-nga-trung-do-xo-toi-chau-phi-trong-khi-my-tinh-duong-lui-post282451.info