Vì sao Nga quyết định nối lại thỏa thuận ngũ cốc Ukraine?

Vài ngày sau khi tuyên bố ngừng thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, Nga quay lại thỏa thuận này. Chuyên gia giải thích thế nào về sự thay đổi quyết định của Nga?

Theo tờ The Guardian, ngày 30-10 qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Ukraine, sau khi cáo buộc Kiev điều loạt máy bay không người lái (UAV) tấn công căn cứ hải quân của Moscow ở TP Sevastopol (bán đảo Crimea).

Tuy nhiên, sau khi thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định nối lại thỏa thuận, với nhượng bộ duy nhất mà ông nhận được là văn bản đảm bảo của Kiev về việc không dùng hành lang nhân đạo ở Biển Đen cho mục đích quân sự.

Bà Tatiana Stanovaya - người đứng đầu công ty phân tích chính trị R.Politik (Nga) - cho rằng việc Điện Kremlin quay lại thỏa thuận ngũ cốc cho thấy Moscow không còn cách nào để ngăn dòng ngũ cốc xuất khẩu qua Biển Đen.

Theo bà Stanovaya, Nga chỉ có thể ngăn điều đó bằng các biện pháp quân sự, song cách giải quyết này lại không nằm trong kế hoạch của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Trong khi đó, theo The Guardian, hành động của Nga cũng sẽ khiến các nhà lãnh đạo ở châu Phi và Trung Đông tức giận, đây là nhóm đối tượng mà nhà lãnh đạo Nga đang ra sức giành sự ủng hộ.

Khi thông báo gia hạn thỏa thuận ngũ cốc hôm 2-11, ông Erdogan cho biết các chuyến hàng ngũ cốc Ukraine tiếp theo được chuyển đến Somalia, Djibouti và Sudan - đều là các nước châu Phi.

Theo The Guardian, sự việc cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một bên quyền lực lớn trong các cuộc đàm phán giữa Moscow và Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên xung đột.

Khi Nga ngày càng bị cô lập, về cả ngoại giao lẫn kinh tế, thì ảnh hưởng của Ankara cũng ngày càng gia tăng.

“Biết rằng Ankara có thể có tiếng nói ở đây, nhưng không nghĩ họ có ảnh hưởng ông Putin lớn đến vậy. Tôi thực sự tự hỏi bí mật của ông Erdogan là gì" - ông Andrei Sizov, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu thị trường nông nghiệp SovEcon (Nga), nói.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-nga-quyet-dinh-noi-lai-thoa-thuan-ngu-coc-ukraine-post706583.html