Vì sao Nga không muốn và không thể đẩy Iran khỏi Syria?

Đặc phái viên Nga tại Israel Anatoly Viktorov cho biết, Nga không có ý định hay không có khả năng đưa lực lượng Iran rời khỏi Syria.

"Họ đang đóng một vai trò rất, rất quan trọng trong nỗ lực chung của chúng tôi trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Đó là lý do tại sao, trong khoảng thời gian này, chúng tôi coi sẽ là không thực tế để trục xuất bất kỳ quân nhân nước ngoài nào khỏi toàn bộ đất nước Syria" - ông Viktorov nói với kênh tin tức Channel 10 của Israel.

Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov (thứ hai từ phải qua) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ hai từ trái qua). Ảnh: GPO

"Chúng tôi có thể nói chuyện với các đối tác Iran của chúng tôi rất thẳng thắn và cởi mở, cố gắng thuyết phục họ làm hoặc không làm điều gì đó" - ông nói thêm.

Khi được hỏi liệu Nga có thể trục xuất Iran bằng vũ lực hay không, ông Viktorov trả lời: "Chúng tôi không thể."

Tháng trước, Nga thông báo có thể thuyết phục Hezbollah và các đồng minh của họ rút khỏi cuộc tấn công của quân đội Syria để chiếm lại hai tỉnh Daraa và Quneitra và khôi phục tình trạng trước năm 2011. Moscow thông tin, cả Israel và Jordan cũng cho biết họ sẵn lòng tuân theo một thỏa thuận chung.

Sau đó, Moscow kêu gọi sự rút lui của các lực lượng quân sự nước ngoài khỏi Syria. Giới truyền thông lập tức không cho đó là cách Nga gửi tới Mỹ mà là gửi tới lực lượng quân sự Iran.

Phía Iran cho biết, họ không nhận được đề nghị công khai từ Nga về việc rời khỏi Syria nhưng kể cả có điều đó xảy ra, họ sẽ không rời đi nếu Tổng thống chính thức và hợp pháp của Syria là ông Bashar al-Assad chấp nhận sự hiện diện của họ.

Iran cùng với Nga và phong trào Hezbollah ở Lebanon đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua.

Với việc quân đội Syria gần như hoàn toàn kiểm soát các khu vực phía Tây Nam, giáp Cao nguyên Golan, ông Viktorov nói với Kênh 10 của Israel rằng chỉ có lực lượng Syria mới được phép triển khai ở đó.

Tuần trước, một quan chức Israel tiết lộ "Nga đề nghị cho lực lượng Iran đóng tại vị trí cách Cao nguyên Golan (do Israel kiểm soát) ít nhất 100 km".

Đề nghị được đưa ra trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Tuy nhiên, Tel Aviv gọi đề xuất này là chưa đủ.

Đặc phái viên Nga ở Israel phủ nhận, ông cho rằng: "Nga không thể ra lệnh cho Israel phải tiến hành cái gì và như thế nào. Nga không thể tự do ra lệnh cho Israel làm bất cứ điều gì hay cấm Israel làm bất cứ cái gì".

Vị đặc phái viên Nga nhấn mạnh, hiện nay quân đội ủng hộ chính phủ của ông Assad gần như hoàn toàn kiểm soát các khu vực ở phia Tây Nam, tiếp giáp với vùng Cao nguyên Golan. Ông Viktorov khẳng định chỉ có quân đội Syria mới được triển khai và hiện diện ở đó.

Thông tin lực lượng Iran "mất tích" khỏi Nam Syria cũng được Đại sứ Nga tại Syria Alexander Kinshchak khẳng định.

Hôm 20/7, ông Kinshchak tuyên bố với truyền thông quốc tế rằng, không có lực lượng Iran nào ở Nam Syria.

Các nguồn tin quân sự Syria, toàn bộ quyền kiểm soát biên giới phía Nam của Syria, bao gồm cả khu vực al-Tanf - nơi có một căn cứ quân sự của Mỹ, sẽ được bàn giao cho các lực lượng chính phủ Syria.

Điều này được thực hiện theo một thỏa thuận về Lực lượng Giám sát không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF) được nối lại trên Cao nguyên Golan. Theo đó, sự hiện diện của các lực lượng Iran ở khu vực biên giới không được chấp thuận.

Lính Israel tham gia tập trận ở Cao nguyên Golan gần khu vực ngừng bắn giữa Israel và Syria.

Việc lực lượng Iran rút lui hoàn toàn khỏi Nam Syria cho thấy, Moscow và Damascus đã nhượng bộ Tel Avip rất nhiều.

Israel và Nga đã đồng ý triển khai các lực lượng quân chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần biên giới phía bắc Israel.

Tờ báo Mỹ Washington Post cho rằng, theo thỏa thuận với Israel, Moscow cam kết sẽ thuyết phục Iran để giữ các nhóm vũ trang mà họ kiểm soát ở Syria, cách xa biên giới Israel ít nhất 80km (50 dặm).

Hơn nữa, Moscow cũng bị cáo buộc không công khai phản đối Không quân Israel đánh vào các vị trí của Iran tại Syria, nếu Tehran triển khai ở đây các tên lửa chiến lược hoặc các hệ thống tên lửa phòng không như Bavar-373 (tự chế) hay S-300 PMU2 (mua của Nga).

Các nguồn tin của tờ Washington Post cho rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra thỏa thuận sau những tiến bộ trong chiến dịch quân sự gần đây của quân đội Syria ở tỉnh miền nam Daara và sau khi nhận ra rằng, Mỹ đã quyết định sẽ không tiếp tục “in dấu giày trên mảnh đất Syria”.

Phía Nga phủ nhận thỏa thuận này. Nhưng những gì diễn ra trên mặt trận Nam Syria là bằng chứng cho thấy thỏa thuận ngầm đã có hiệu quả và những lời của Đặc phái viên Nga tại Israel Anatoly Viktorov về việc Nga không thể "ép" Iran rời khỏi Syria, chỉ là trấn an để duy trì thỏa thuận ngầm của Nga - Israel.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vi-sao-nga-khong-muon-va-khong-the-day-iran-khoi-syria-3362831/