Vì sao Nga 'dửng dưng' trước nguy cơ bí mật tên lửa S-400 lọt vào tay Mỹ?

Nguy cơ lộ lọt bí mật hệ thống tên lửa phòng không S-400 vào tay chuyên gia Mỹ từ 'kênh' Thổ Nhĩ Kỳ là hiện hữu. Tuy nhiên, 'nhà sản xuất' Nga lại chẳng mấy quan tâm đến chuyện này, họ có vẻ rất tự tin về bí kíp bảo mật tên lửa, do đó vẫn tiếp tục xuất khẩu S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian gần đây đã diễn ra hoạt động với tần suất dày đặc của các máy bay trinh sát điện tử Mỹ xung quanh những khu vực Nga triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Trong thời gian gần đây đã diễn ra hoạt động với tần suất dày đặc của các máy bay trinh sát điện tử Mỹ xung quanh những khu vực Nga triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Những địa điểm này bao gồm bán đảo Crimea hay căn cứ không quân Hmeimim tại Syria, dẫn tới lo ngại Washington sẽ lấy được mẫu tín hiệu radar của S-400 để nghiên cứu.

Chưa dừng lại đây, tổ hợp vũ khí tối tân của Nga còn đứng trước nguy cơ lộ bí mật lớn hơn theo hướng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cho biết họ sẽ xây dựng quy trình làm việc để tạo ra một cơ chế đánh giá tác động giữa S-400 và F-35 trong diễn tập, điều này có nghĩa là mọi bí mật của S-400 có thể lọt hết vào tay Mỹ và gây ra vô vàn tổn hại đối với người Nga.

Mặc dù vậy, Moskva lại tỏ ra khá bình thản trước những diễn biến trên, bởi ngoài lý do tin rằng rất khó lấy được mẫu tín hiệu radar từ S-400 biến thể nội địa thì phiên bản xuất khẩu của Triumf còn có những hiệu chỉnh khác biệt so với bản gốc.

Bên cạnh đó, có lẽ Nga cũng thừa hiểu rằng mục đích của Mỹ không phải là tiếp cận với những thông số kỹ thuật "đằng ngọn".

Có lẽ thông tin Mỹ cần nhất chính là phương pháp bắn ứng dụng của tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf.

Kiến thức này binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ (người sử dụng duy nhất của S-400 lại thuộc khối quân sự NATO) chưa chắc nắm đúng nguyên tắc huấn luyện trong Quân đội Nga, khi thời gian tiếp xúc của họ vẫn còn tương đối ngắn và chưa trải qua bắn đạn thật đầy đủ các khoa mục.

Không chỉ có vậy, nếu như Ankara tiết lộ cho Washington giáo trình mà Nga đã huấn luyện cho kíp trắc thủ S-400 của mình thì điều này cũng rất ít tác dụng, bởi từ tính năng kỹ thuật đến cách khai thác chưa chắc đã là tiêu chuẩn của Moskva.

Một đặc điểm nữa của hệ thống phòng không Nga đó là chúng sử dụng rất nhiều loại radar và nhiều loại đạn cho các miếng đánh khác nhau. Cùng một mục tiêu cũng lại có nhiều cách đánh với các khí tài trang bị riêng biệt.

Trong trường hợp Mỹ hiểu biết về một vài loại radar cảnh giới cũng như điều khiển hỏa lực và đạn tên lửa đã bị hiệu chỉnh khác đi thì cũng chẳng có ích gì mấy trong trường hợp cần khai thác tính năng, tác dụng đối với tổ hợp S-400 bản nội địa của Nga.

Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng tính năng bắn ứng dụng đối với tổ hợp phòng không thì chưa chắc nhà sản xuất đã là bên giỏi nhất, điển hình phải kể ra đây là trường hợp Việt Nam thời điểm năm 1972.

Khi đó mọi bí mật của hệ thống phòng không S-75 Dvina (SA-2) đã lọt đầy đủ vào tay Mỹ thông qua những mẫu vật lấy được từ Trung Đông.

Phía Liên Xô tại thời điểm này cũng không vững tin Việt Nam có thể dùng SA-2 để đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 bởi họ đã hiểu quá rõ điểm yếu vũ khí của mình, vậy nhưng chúng ta đã chứng minh sự thật khác biệt hoàn toàn.

Với những đặc điểm nêu trên, không khó hiểu vì sao Nga vẫn tỏ ra chẳng mấy quan tâm trước nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép Mỹ tiếp cận sâu đối với hệ thống tên lửa phòng không S-400 do mình sản xuất, khi tuyên bố sẵn sàng bán cho Ankara tổ hợp thứ hai.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-vi-sao-nga-dung-dung-truoc-nguy-co-bi-mat-ten-lua-s-400-lot-vao-tay-my-post469892.antd