Vì sao Nga bó tay ở Nagorno-Karabakh?

Hai lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian đã không kiềm chế được xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh. Hòa bình có thể phụ thuộc vào việc Moscow tận dụng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên đây là bình luận của báo South China Morning Post (SCMP) hôm 28-10.

Đụng độ giữa quân đội Azerbaijan và Armenia đã bước sang tuần thứ năm khi cả hai bên đều muốn kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai ở Nam Caucasus. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng trên thực tế do Armenia quản lý.

Giữa tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khoảng 5.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra tại vùng Nagorno-Karabakh. Nga - nước có lợi ích chiến lược lâu dài trong khu vực và chung một phần biên giới phía Nam với Azerbaijan - đã đứng ra làm trung gian hòa giải.

Binh sĩ Azerbaijan bắn đạn pháo trong cuộc xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan

Binh sĩ Azerbaijan bắn đạn pháo trong cuộc xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan

Điện Kremlin sau đó mời các nhà ngoại giao của Azerbaijan và Armenia tham gia tiến trình đàm phán ngừng bắn, dẫn đến 2 thỏa thuận được môi giới vào ngày 10 và 18-10. Tuy nhiên, chúng đều bị phá vỡ trong vòng vài giờ sau khi được ký kết.

Một loạt cuộc đàm phán mới, lần này diễn ra ở thủ đô Washington – Mỹ vào cuối tuần trước, dẫn đến lệnh ngừng bắn thứ ba nhưng cũng bị phá vỡ hôm 26-10.

Việc Moscow không thể ngăn chặn chiến sự tại vùng Nagorno-Karabakh một cách hiệu quả được xem là điều bất thường trong hồ sơ chính sách đối ngoại của nước này. Trong các cuộc xung đột lãnh thổ khác thuộc Liên Xô cũ (bao gồm Transnistria ở Moldova, Donbas ở Ukraine và cả Abkhazia, Nam Ossetia ở Georgia), Nga được xem là có ảnh hưởng lớn hơn nhiều.

Song ở Nagorno-Karabakh, các lựa chọn của Nga bị hạn chế bởi lịch sử phức tạp của vùng này cũng như mối quan hệ bấp bênh của Moscow với một cường quốc khác trong khu vực: Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành viên quốc hội Armenia, Mikayel Zolyan, cho biết: "Điểm mấu chốt để hiểu được cuộc chiến hiện tại, đó là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tạo nhiều ảnh hưởng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Với lịch sử hợp tác quân sự lâu dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan, đây là một vấn đề đáng báo động đối với Armenia".

Bính sĩ Armenia trú trong boong-ke khi chiến đấu tại vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

"Một bên là 9 triệu người Azerbaijan. Và mặt khác có 80 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa họ là 3 triệu người Armenia. Tổng thống Erdogan đang cố gắng phá bỏ sự đồng thuận đã định hình biên giới Thổ Nhĩ Kỳ" – ông Zolyan nói thêm.

Theo SCMP, mối quan hệ ngoại giao của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ gần như không tồn tại. Hai bên còn tồn tại những tranh chấp kéo dài về vấn đề biên giới.

Khả năng môi giới hòa bình của Nga trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh có thể phụ thuộc vào việc tận dụng mối quan hệ của Moscow với Ankara nhưng quan hệ giữa hai nước lại thiếu ổn định.

Azerbaijan hoài nghi Moscow

Nga tự cho mình là đối tác tích cực trong tiến trình đàm phán hòa bình bị đình trệ nhưng Azerbaijan có lý do để hoài nghi.

Nhà nghiên cứu Turan Gafarli tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT (Thổ Nhĩ Kỳ), giải thích: "Moscow duy trì một căn cứ quân sự gần TP Gyumri của Armenia. Cả hai nước đều là một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), liên minh quân sự giống NATO vốn coi cuộc tấn công vào một trong các thành viên của họ là cuộc tấn công vào cả liên minh. Azerbaijan không muốn chơi trò chơi theo luật của Nga nữa vì họ không tin tưởng Moscow".

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vi-sao-nga-bo-tay-o-nagorno-karabakh-20201028170956182.htm