Vì sao nếu thực thi 'thỏa thuận thế kỷ' Iran-Trung Quốc sẽ khuấy đảo toàn bộ Trung Đông?

Bằng cách cho Trung Quốc chỗ đứng vững chắc ở Iran, thỏa thuận sẽ nâng cao vị thế khu vực của Bắc Kinh và làm suy yếu uy quyền chiến lược của Mỹ ở vùng Vịnh.

Iran-Trung Quốc đang chuẩn bị những thỏa thuận mà nếu được thực thi có thể làm thay đổi hoàn toàn vùng Vịnh.

Iran-Trung Quốc đang chuẩn bị những thỏa thuận mà nếu được thực thi có thể làm thay đổi hoàn toàn vùng Vịnh.

Cách đây một tuần, Chính phủ Iran đã thông báo về dự thảo thỏa thuận 25 năm với Trung Quốc về hợp tác kinh tế và chính trị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết đây là một khoảnh khắc đáng tự hào đối với ngoại giao Iran.

Tehran chưa tiết lộ chi tiết đầy đủ của thỏa thuận, nhưng một báo cáo trước đây của Petroleum Economist cho thấy Iran sẽ thiết lập các điều khoản nhượng bộ rất lớn cho Trung Quốc, bao gồm giảm giá đáng kể đối với dầu khí, có thể trì hoãn thanh toán trong vòng hai năm và thanh toán bằng các loại đồng tiền yếu.

Trung Quốc cũng sẽ được cấp quyền ưu tiên tham gia vào bất kỳ dự án hóa dầu nào ở Iran. Nếu được thực thi, thỏa thuận này sẽ khiến Iran phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ có được nguồn năng lượng lớn, cũng như chỗ đứng ở vùng Vịnh, Middle East Eye nhận định.

Đã có những tin đồn trên truyền thông Iran rằng Tehran đã nhượng đảo Kish cho Bắc Kinh. Mặc dù những tin đồn như vậy dường như chắc chắn là sai, nhưng Iran hoàn toàn có thể cung cấp cho các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại các cảng vùng Vịnh của mình.

Thỏa thuận cũng cho phép tới 5.000 nhân viên an ninh Trung Quốc hiện diện để bảo vệ các dự án của nước này. Thỏa thuận hứa hẹn sẽ nâng cao đáng kể vị thế của Trung Quốc không chỉ ở Trung Đông, mà còn ở Trung Á và Kavkaz.

Thông qua Iran và Kavkaz, Bắc Kinh sẽ có một tuyến đường bộ đến châu Âu và thậm chí cả Biển Đen, với điều kiện Georgia cho phép họ tiếp cận các cảng Biển Đen.

Lợi thế cho Iran - nếu Trung Quốc tuân thủ các cam kết - là được truyền một lượng tiền mặt đáng kể vào nền kinh tế, đặc biệt là ngành năng lượng (280 tỷ USD) và cơ sở hạ tầng sản xuất và giao thông (120 tỷ USD), để vực dậy nền kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn. Đặc biệt hơn cả là lấy lại niềm tin và trấn an dư luận trong nước.

Xoay về phía Đông

Nhưng số phận của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng vì vẫn phải được quốc hội phê chuẩn. Khi tin tức về thỏa thuận lần đầu xuất hiện trên truyền thông Iran, nhiều nhà bình luận bày tỏ lo ngại rằng nó có thể khiến Iran phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, lưu ý rằng sau cuộc cách mạng năm 1979, Iran chưa chấm dứt được hàng thập kỷ phụ thuộc vào Mỹ mà giờ đây còn bị dựa dẫm quá nhiều vào Trung Quốc.

Lý do chính cho sự chuyển mình của Iran sang Trung Quốc và các nước châu Á khác, hay còn gọi là “xoay trục hướng Đông”, là sự thất bại trong những nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế với phương Tây như khúc dạo đầu để thiết lập mối quan hệ chính trị tốt hơn.

Mới nhất, những lời đề nghị đã được Iran đưa ra sau khi ký kết hiệp định hạt nhân vào năm 2015. Iran đề nghị mua máy bay Boeing và Airbus, tuyên bố chào đón các công ty Mỹ và châu Âu - trong đó có các công ty năng lượng, chẳng hạn như Total - vào nước này. Tuy nhiên, phản ứng đối với các thỏa thuận của Iran là không tích cực.

Iran đang bị bóp nghẹt trong lĩnh vực năng lượng do các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm “nghiền nát” nền kinh tế Iran, bao gồm cả lĩnh vực bán dầu.

Động thái của ông đã khiến ngay cả những người ôn hòa nhất cũng tin rằng Washington không quan tâm đến việc cải thiện quan hệ mà chỉ muốn thay đổi chính quyền ở Iran.

Những người phản đối quan hệ Iran-Mỹ đã đón nhận làn gió mới ở Trung Quốc - một vị cứu tinh tiềm năng và là lá chắn chống lại áp lực của Mỹ trong tương lai, bao gồm cả tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Iran-Trung Quốc cùng có lợi

Nếu thỏa thuận Iran-Trung Quốc được thực thi, nó sẽ hồi sinh nền kinh tế Iran và ổn định chính trị. Sự phục hồi kinh tế và chính trị như vậy sẽ cải thiện vị thế khu vực của Iran và có lẽ sẽ khiến các đối thủ giảm căng thẳng với Tehran, thay vì mù quáng tuân theo chính sách của Mỹ.

Hơn nữa, bằng cách cho Trung Quốc một chỗ đứng vĩnh viễn ở Iran, thỏa thuận này sẽ nâng cao vị thế khu vực của Bắc Kinh và làm suy yếu uy quyền chiến lược của Mỹ ở vùng Vịnh. Điều này cũng có thể nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Nhưng Mỹ có thể ngăn chặn sự thay đổi như vậy bằng cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cho phép các công ty châu Âu và Mỹ làm ăn với Tehran. Một tác động ngay lập tức sẽ là sự hồi sinh cho các nhóm kinh tế của Iran, và về lâu dài, sẽ dẫn đến mối quan hệ chính trị tốt hơn.

Bằng cách theo đuổi một chính sách hoàn toàn thù địch đối với Iran, Mỹ đã hạn chế các lựa chọn chiến lược của mình ở Tây Nam Á và do đó bị một số đối tác khu vực như Saudi Arabia và UAE thao túng.

Sự quan tâm rõ rệt hơn của Trung Quốc đối với Iran chính là lời cảnh báo Mỹ nên xem xét lại cách tiếp cận trước đây của họ đối với Tehran.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-neu-thuc-thi-thoa-thuan-the-ky-iran-trung-quoc-se-khuay-dao-toan-bo-trung-dong-a482975.html