Vì sao NATO không thể thắng Nga nếu xảy ra chiến tranh?

Các chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng NATO đối phó nếu Nga tấn công, tiếp sau hội nghị thượng đỉnh NATO 2018 trong hai ngày 11, 12.7 tại Brussels. Ở đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đòi các đồng minh tăng đóng tiền cho công tác đề phòng Nga tấn công.

Quân đội Nga tập chống chiến tranh sinh - hóa ở Quân khu miền Tây - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Quân đội Nga tập chống chiến tranh sinh - hóa ở Quân khu miền Tây - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Mỹ và các đồng minh phương Tây lập nên liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu hồi năm 1949, vào lúc phương Tây đối đầu với Liên Xô. Hai bên đều cố gắng tránh chiến tranh trực tiếp, thay vào đó là những cuộc chiến tranh ủy nhiệm cho đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Tiếp đó, phương Tây làm thân với Nga và NATO giảm khả năng đề phòng chiến tranh. Nhưng căng thẳng lại nổi lên, khi Tổng thống Vladimir Putin quyết tâm phục hồi sức mạnh quân đội Nga trong thế kỷ 21. NATO cáo buộc ông Putin phá hoại sự bất ổn khu vực, Moscow tố ngược liên minh phương Tây đe dọa an ninh quốc gia Nga.

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, vào lúc Ukraine láng giềng xảy ra cuộc nổi dậy mà Moscow nói nó đe dọa cộng đồng Nga thiểu số ở Crimea.

Từ đó, NATO củng cố an ninh ở sườn phía đông, bằng cách lập 4 nhóm chiến đấu, tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2016 ở thủ đô Ba Lan, nơi ra đời Hiệp ước Warsaw, một thỏa thuận phòng thủ tập thể do Liên Xô lập để phản ứng với NATO.

4 nhóm quân chiến đấu NATO đã được triển khai ở Ba Lan cùng 3 nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia, Litva) vì đó là vùng biên giới giáp Nga của NATO.

Tổ chức nghiên cứu RAND Corp (do chính phủ Mỹ tài trợ) đã theo dõi kỹ tình hình quân sự căng thẳng ở vùng biên giới này. Cùng năm 2016, hai nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao David Shlapak- Michael Johnson (đều ở RAND) rút bài học qua các cuộc tập trận giả lập: quân Nga có thể chiếm các thủ đô của 3 nước vùng Baltic trong vòng từ 36 đến 60 giờ.

Khi được hỏi từ đó kết luận trên có thay đổi hay không, ông Shlapak lưu ý các tín hiệu quan trọng từ phía NATO, gồm tăng huấn luyện - tập trận để cải thiện sự hợp tác giữa các nước thành viên.

Nhưng ông nói thêm với Newsweek: từ quan điểm cá nhân thì ông không thể lạc quan, vì 4 nhóm quân chiến đấu sẽ không thể chống cự nổi trước một cuộc tấn công tổng lực của quân đội Nga: “Họ rất bị hạn chế về khả năng chiến đấu trong một sự kiện chiến tranh”.

Báo cáo của ông Shlapak cùng các tài liệu khác cho thấy cơ sở chỉ huy của NATO đã xuống cấp suốt nhiều năm từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nên có thể Nga vẫn chiếm ưu thế.

Hồi tháng 5.2018, RAND ra báo cáo khác, nêu “trong những ngày đầu hoặc các tuần đầu của một cuộc chiến tranh qui ước, quân NATO bảo vệ các nước vùng Baltic sẽ nhanh chóng thua vì thiếu quân và súng”.

Báo cáo này cho biết quân NATO có 31.813 lính và 129 xe tăng, phải đối mặt với 78.000 quân Nga và 757 xe tăng.

NATO cũng có số máy bay nhiều hơn Nga gấp 4 lần rưỡi, và có triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 ra chiến trường, nhưng báo cáo viết: “Nga vẫn chiếm ưu thế trước NATO về khả năng phòng không, pháo tầm xa, đạn chống tăng và chiến tranh điện tử”.

Nga cũng đã cải thiện khả năng của các đơn vị quân thuộc Quân khu miền Tây giáp 3 nước vùng Baltic. Ở vùng Kaliningrad được vũ trang dày đặc, Nga đã dàn tên lửa và thường xuyên tổ chức tập trận.

Dĩ nhiên riêng Mỹ vẫn là một thế lực mạnh hơn Nga, nhưng quân Mỹ lại bị dàn quá rộng ở châu Âu. Việc đưa quân ra chiến trường sẽ là những vấn đề lớn, liên quan tranh cãi quan liêu giấy tờ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, các trở ngại khi chở quân và vũ khí giữa các nước thành viên NATO...

Các yếu điểm này buộc NATO phải tái cơ cấu, nhưng tốn tiền, nên Tổng thống Trump gọi NATO “lạc hậu” và dọa rút Mỹ khỏi khâu bảo vệ các đồng minh châu Âu, nếu họ không chịu tăng chi quân sự.

Trong khi khoản chi của Mỹ cho NATO thật sự đã tăng ít nhất 40% GDP dưới thời ông Trump, ông đã đòi các nước thành viên chi 4% GDP mỗi quốc gia cho khâu phòng thủ.

Trước đó, ông đã đòi mỗi nước thành viên đóng góp 2% GDP, và những tuyên bố của ông đã khiến hội nghị thượng đỉnh NATO 2018 giống như gánh xiếc, theo Newsweek: ông Trump tranh cãi với lãnh đạo Pháp, Canada, Đức, rồi tuyên bố ông chiến thắng.

Ông Shlapak nói: “Tôi không nghĩ họ đạt được tiến bộ thật sự nào. Tôi nghĩ Tổng thống Trump cảm thấy ông có một chiến thắng quan hệ cộng đồng, nhưng cuối cùng, ông khiến người dự hội nghị cảm thấy không được an toàn ở nơi Mỹ đứng”.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/vi-sao-nato-khong-the-thang-nga-neu-xay-ra-chien-tranh-92416.html