Vì sao năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đạt thấp?

ĐBQH băn khoăn cho rằng du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 8,8%?

Chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho biết, du lịch Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, tăng trưởng gần 30% trong năm 2016 – 2017, nhưng tại sao 5 tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm lại, chỉ đạt 8,8%?

Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, du lịch của Việt Nam những năm gần đây tăng rất nhanh, 1 năm tăng trưởng gần 30%, tuy nhiên 5 tháng đầu năm nay, chỉ tăng gần 9%. Theo Bộ trưởng, một trong những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm là do lượng khách Trung Quốc giảm (trong 5 tháng gần như không tăng). Trong khi, những năm trước, lượng khách đến từ Trung Quốc tăng khoảng 30%.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên chất vấn.

“Giải pháp hiện nay là phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại những thị trường quan trọng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Vì nếu thị trường Trung Quốc không tăng thì du lịch Việt Nam rất khó. Trên thế giới này, tất cả các nước đều mong muốn thu hút khách từ thị trường Trung Quốc” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Cũng liên quan đến phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (TP Cần Thơ) chất vấn, du lịch hiện nay đóng góp chưa được 10% GDP, theo Bộ trưởng cần có giải pháp nào để chúng ta có thể đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề cập? Làm thế nào để ngành du lịch đóng góp nhiều hơn nữa trong tỷ trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dự kiến đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ đón từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa và phải đóng góp khoảng 10% GDP. Theo đó, phải đến năm 2030, ngành du lịch mới cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Chúng tôi triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về du lịch”- ông Thiện cho biết.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hóa.

“Chúng tôi xin trích dẫn 1 câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa. Thủ tướng nói rằng, tất cả mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển, vì bất cứ giá nào. Câu nói đó đã nói lên tất cả. Chúng ta phải bảo tồn. Trong quá trình phát triển kinh tế, luôn luôn phải lưu ý đến vấn đề bảo tồn các di sản”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Vẻ đẹp phố cổ Hội An nhìn từ trên cao.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) cho rằng, những giải pháp Bộ trưởng đưa ra, du lịch Việt Nam đến năm 2020 có thể đạt được mục tiêu đón được 17-20 triệu khách du lịch quốc tế khó thực hiện được.

Đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030

Đại biểu Hưng cho rằng, hiện nay nhận thức của các cấp, các ngành và bản thân ngành VHTTDL chưa thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Vì vậy, các cơ chế, chính sách đưa ra thiếu tính đột phá và thiếu tính kịp thời để du lịch phát triển đúng bản chất của một ngành kinh tế, vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí, tương xứng với vị trí và điều kiện cần thiết.

“Sự phối hợp liên vùng, liên ngành chưa tốt. Bản thân Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch hoạt động cũng mờ nhạt và chưa có hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi rất nhiều lần rồi nhưng đến bây giờ du lịch vẫn là ngôi sao cô đơn ở giác độ nào đó”. Sản phẩm du lịch hiện mới chỉ khai thác những cái sẵn có trong thiên nhiên hoặc trong cộng đồng mà thiếu những sản phẩm nổi trội, có tính cạnh tranh”- đại biểu Hưng cho biết./.

Thy Hạt/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/vi-sao-nang-luc-canh-tranh-du-lich-viet-nam-dat-thap-917833.vov