Vì sao Mỹ trả lại 12 căn cứ cho Hàn Quốc?

Việc trả lại hơn 15 căn cứ quân sự không ảnh hưởng gì tới sức mạnh của Mỹ, bởi nước này có hơn 80 căn cứ như vậy ở Hàn Quốc.

Hôm 11/12, quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc đã đồng ý với các nhà chức trách nước này trao trả quyền kiểm soát đối với 11 căn cứ của Hoa Kỳ và hai khu nhà tại căn cứ Yongsan ở Seoul, sau nhiều năm trì hoãn do những bất đồng trong nhiều lĩnh vực - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Quyết định về việc chuyển giao các căn cứ cuối cùng cho Hàn Quốc được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 201 của Ủy ban Hỗn hợp về Hiệp định Quy chế các lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc (SOFA). Theo hiệp định, Mỹ có quyền duy trì 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc.

Các đối tượng được trả lại có hai địa điểm tại Căn cứ Yongsan ở trung tâm thành phố Seoul, căn cứ Camp Kim gần đó và bốn địa điểm ở Seoul được Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tại Hàn Quốc (USFK) sử dụng.

Mỹ cũng trao lại quyền kiểm soát cho Hàn Quốc đối với sân bay trực thăng Camp Walker ở Daegu, Camp Jackson ở Uijonbu và Camp Mobile ở Dongducheon, sân gôn ở Hanam, căn cứ thủy quân lục chiến ở cảng Pohang và trường bắn ở Taebaek.

Phi đội máy bay F-16 Fighting Falcon của Mỹ và Hàn Quốc tại căn cứ không quân Kunsan

Phi đội máy bay F-16 Fighting Falcon của Mỹ và Hàn Quốc tại căn cứ không quân Kunsan

Đây là lần đầu tiên các cơ sở từ căn cứ Yongsan trở lại nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Hàn Quốc. Theo kế hoạch, các khu vực thuộc căn cứ quân sự hiện tại của Mỹ ở quận Yongsan, thành phố Seoul sẽ được cải tạo thành một công viên.

"Căn cứ Yongsan là một trong những căn cứ chính của quân Mỹ và việc chuyển giao căn cứ này sau khi đóng cửa hoàn toàn sẽ mất quá nhiều thời gian. Vì vậy, chính phủ đã đồng ý với phía Mỹ về việc chuyển giao lãnh thổ căn cứ thành từng phần, có tính đến tình trạng và điều kiện của chúng. Do đó, hai địa điểm sẽ được trả lại trước" - thông cáo báo chí cho biết.

Việc trao trả các cơ sở quân sự của Mỹ cho chính phủ Hàn Quốc nằm trong Chương trình đối tác đất đai được vạch ra vào năm 2002, cùng với Chương trình Tái định cư Yongsan năm 2004 và các quy định của Thỏa thuận về Tình trạng Lực lượng.

Tháng 12 năm ngoái, Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ tại Hàn Quốc (USFK) đã trả lại 4 căn cứ quân sự chưa sử dụng cho nước này, sau nhiều năm trì hoãn do bất đồng về công tác tẩy độc môi trường. Thậm chí sau đó Mỹ tuyên bố sẵn sàng trả thêm 13 căn cứ nữa.

Trực thăng tấn công AH-64 Apache cất cánh từ căn cứ Humphreys, phía nam Seoul

Bốn căn cứ được trao trả năm 2019 gồm căn cứ Eagle và Long ở thành phố Wonju tại tỉnh Gangwon, cách Seoul khoảng 130 km; căn cứ Market quận Bupyeong - thành phố Incheon, phía tây Seoul và bãi tập Shea thuộc căn cứ Hovey ở Dongdecheon tại tỉnh Gyeonggi, phía bắc Seoul. Các căn cứ này đã đóng cửa từ năm 2009-2011.

Sau khi tiếp nhận, Hàn Quốc sẽ tiến hành quy trình khử độc môi trường trước khi quyết định có thể bán các khu vực trên, giữ làm tài sản nhà nước hay dùng vào mục đích quân sự. Quá trình tẩy độc dự kiến kéo dài 2 năm với chi phí khoảng 110 tỉ won (2.135 tỉ đồng).

Được biết, mặc dù Washington đã trao trả cho Seoul tới hơn 15 căn cứ quân sự nhưng đây thực chất là các căn cứ không từ lâu đã không được sử dụng, hơn nữa, việc trả lại các căn cứ này không ảnh hưởng gì tới sự hiện diện và sức mạnh của Quân đội Mỹ ở bán đảo Triều Tiên.

Hiện nay, Lầu Năm Góc đang duy trí tới hơn 80 căn cứ quân sự ở quốc gia đồng minh Hàn Quốc. Trong số này, có tới 9 căn cứ nằm trong top 50 căn cứ hàng đầu của Mỹ ở nước ngoài.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/vi-sao-my-tra-lai-12-can-cu-cho-han-quoc-3424149/