Vì sao Mỹ 'thổi phồng' sức mạnh hạt nhân Trung Quốc?

Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc dự kiến tăng ít nhất gấp đôi số đầu đạn hạt nhân trong thập kỷ tới so với mức hơn 200 đầu đạn hiện nay.

Mỹ công bố số liệu

Ngày 1/9, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi số đầu đạn hạt nhân của họ trong thập kỷ tới so với mức hơn 200 đầu đạn hiện nay và sắp có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển, gọi là "bộ ba hạt nhân".

Trong báo cáo hàng năm trước Quốc hội về quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tiết lộ con số này. Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ ước tính Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân.

Mỹ phỏng đoán Trung Quốc có từ 200 đến 320 đầu đạn hạt nhân

Mỹ phỏng đoán Trung Quốc có từ 200 đến 320 đầu đạn hạt nhân

Lầu Năm Góc cho biết dự báo khả năng Trung Quốc tăng số lượng đầu đạn dựa trên các yếu tố bao gồm việc Bắc Kinh có đủ nguyên liệu để tăng gấp đôi kho dự trữ vũ khí hạt nhân mà không cần sản xuất vật liệu phân hạch mới. Ước tính của Lầu Năm Góc phù hợp với phân tích của Cơ quan Tình báo Quốc phòng.

Theo báo cáo, hồi tháng 10/2019, Trung Quốc đã công bố máy bay ném bom H-6N là máy bay ném bom tiếp nhiên liệu trên không có khả năng hạt nhân đầu tiên của họ.

Chad Sbragia, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng theo dõi vấn đề Trung Quốc, nói với các phóng viên: "Chúng tôi chắc chắn lo ngại về những con số... nhưng đây rõ ràng cũng chỉ nằm trong quỹ đạo phát triển hạt nhân của Trung Quốc".

Sbragia nói rằng Trung Quốc cũng đã gần đạt tới khả năng bộ ba hạt nhân của nước này, cho thấy Trung Quốc đang tiến xa hơn những gì đã được công khai trước đây. Trung Quốc mới chỉ vận hành hai trong ba khả năng này nhưng đang phát triển một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có khả năng mang theo hạt nhân.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cần tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 trong một thời gian tương đối ngắn.

Trung Quốc đánh tiếng tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 đơn vị

Tuy nhiên, ngày 2/9, Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định báo cáo trên hoàn toàn sai lệch và cố tình bóp méo các mục đích chiến lược của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết báo cáo trên "đầy tâm lý chiến tranh lạnh của trò chơi có tổng bằng 0", là một sự bôi nhọ đối với Trung Quốc và khiêu khích sự thù địch giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan.

Bắc Kinh cho biết báo cáo trên là ví dụ mới nhất về việc Mỹ phao tin đồn nhảm nhằm biện minh cho chi tiêu quân sự của riêng họ, vốn ở mức lớn nhất thế giới. Bà Hoa Xuân Oánh nói: "Trung Quốc thường theo đuổi chính sách quốc phòng phòng thủ và mọi người thấy rằng Trung Quốc là nước xây dựng hòa bình thế giới".

Thận trọng vẫn hơn!

Washington đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán ba bên để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), một hiệp ước vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021. Trung Quốc nhiều lần tỏ rõ không quan tâm đến việc tham gia đàm phán vì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lớn gấp khoảng 20 lần của Trung Quốc.

Hồi tháng 7 vừa qua, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ "vui mừng" tham gia vào các cuộc đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí, nhưng chỉ khi Mỹ sẵn sàng giảm kho vũ khí hạt nhân của họ xuống ngang với mức của Trung Quốc.

Bất chấp sức ép của Mỹ, Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm không đàm phán về vũ khí hạt nhân

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, Đặc phái viên Trung Quốc tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Vienna (Áo), ông Wang Qun cho rằng cái gọi là các cuộc thương lượng 3 bên về kiểm soát vũ khí do Mỹ đề xuất phá vỡ sự đồng thuận quốc tế về giải trừ quân bị hạt nhân. Ông Vương Quân đưa ra phát biểu trên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hối thúc Bắc Kinh tham gia cái gọi là cuộc đàm phán 3 bên trong chuyến công du Vienna vào cùng ngày.

Quan chức Trung Quốc nói: "Cộng đồng quốc tế có sự đồng thuận rõ ràng về cách thức tiến hành giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu và một loạt công cụ pháp lý quốc tế đã được hình thành trên cơ sở này". Những văn kiện này quy định rõ ràng rằng Mỹ và Nga, hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, phải gánh trách nhiệm đặc biệt về giải trừ quân bị và nên tiếp tục giảm mạnh các vũ khí hạt nhân của họ theo cách có thể xác minh được, không thể đảo ngược và mang tính ràng buộc về luật pháp.

Ông Wang Qun coi việc ông Pompeo khăng khăng “chèo kéo” Trung Quốc vào các cuộc thương lượng 3 bên là "mơ tưởng", đồng thời hối thúc Washington tổ chức cuộc đàm phán nghiêm túc với Nga và ngừng kiếm cớ cho việc rút khỏi các hiệp ước và tổ chức quốc tế.

Trên thực tế, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ đánh giá kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là con số nhỏ so với Mỹ, nước có 3.800 đầu đạn hạt nhân, và Nga, nước có xấp xỉ 4.300 đầu đạn hạt nhân.

Một trong vô số thống kê công khai về bộ ba hạt nhân của Nga và Mỹ

Trung Quốc khởi động chương trình vũ khí hạt nhân vào khoảng năm 1955, với sự trợ giúp đáng kể của Liên Xô nhằm học hỏi chuyên môn kỹ thuật và vận hành. Trung Quốc lần đầu thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào tháng 10/1964, và đã trở thành một mắt xích quan trọng trong trật tự hạt nhân thế giới.

“Sách trắng Quốc phòng” công bố năm 2019 của Trung Quốc cam kết chính sách “không sử dụng trước” (NFU), đồng thời khẳng định Trung Quốc không tham gia “chạy đua vũ trang hạt nhân với bất kỳ quốc gia nào và duy trì năng lực hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia.”

Sách trắng năm 2019 cũng đề cập ý định tăng cường khả năng răn đe và phản công hạt nhân (thông qua một lực lượng tên lửa hiện đại và mạnh mẽ hơn) của Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLARF). Trung Quốc khẳng định mục đích của các kế hoạch hiện đại hóa không phải là thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với các thành phần chủ chốt trong trật tự hạt nhân thế giới.

Theo giới phân tích quốc tế, dù Trung Quốc đã bác bỏ mọi mối quan tâm tới thỏa thuận cắt giảm vũ khí giữa Nga và Mỹ, vẫn cần thúc đẩy một cơ chế đối thoại chiến lược với cộng đồng hạt nhân quốc tế có Trung Quốc tham gia. Do đó, mọi nỗ lực nhằm tiến tới không phổ biến vũ khí hạt nhân đều đòi hỏi sự tham gia của Trung Quốc vào các biện pháp theo đuổi giải trừ hạt nhân.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/vi-sao-my-thoi-phong-suc-manh-hat-nhan-trung-quoc-3418465/