Vì sao Mỹ nỗ lực mua gom pháo tự hành Akatsiya sau khi Liên Xô tan rã?

Mặc dù ra đời đã lâu nhưng pháo tự hành 2S3 Akatsiya vẫn được đánh giá cao về năng lực tác chiến, nhất là sau khi trải qua quá trình nâng cấp.

Truyền thông Nga cho biết, Tập đoàn Uralvagonzavod mới đây đã bàn giao lô pháo tự hành 2S3M Akatsiya hiện đại hóa đầu tiên cho Bộ Quốc phòng nước này trong khuôn khổ hợp đồng mua sắm cấp nhà nước.

Truyền thông Nga cho biết, Tập đoàn Uralvagonzavod mới đây đã bàn giao lô pháo tự hành 2S3M Akatsiya hiện đại hóa đầu tiên cho Bộ Quốc phòng nước này trong khuôn khổ hợp đồng mua sắm cấp nhà nước.

Doanh nghiệp đã tiến hành sửa chữa lớn và hiện đại hóa các tổ hợp Akatsiya, những cải tiến tập trung vào năng lực chế áp và tiêu diệt phương tiện bọc thép của đối phương, bao gồm cả xe tăng và pháo binh.

Trước tình hình trên, chuyên gia quân sự - Đại tá dự bị Viktor Baranets đã nói về những cải tiến mà Akatsiya nhận được sau quá trình hiện đại hóa trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tờ PolitExpert.

Trước hết, ông Baranets lưu ý rằng tất cả các thành phần nhập khẩu trên Akatsiya đã được thay thế, một số trong số đó có xuất xứ từ các nước NATO, họ không còn cung cấp vì hiệu lực của lệnh trừng phạt.

Đối diện thực tế trên, các cơ sở trong nước đã phát triển thành công phụ tùng thay thế với chất lượng cao hơn. Cụ thể, đó là một số thiết bị trong hệ thống điều khiển, ngắm bắn, thông tin liên lạc...

Đáng chú ý là hệ thống thông tin mới cho phép chỉ huy đơn vị pháo tự hành liên lạc ngay lập tức với sĩ quan của từng khẩu đội, từ đó giảm thời gian chuẩn bị bắn, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, Đại tá Baranets nhấn mạnh.

"Sau khi bắn, hãy nhanh chóng chạy khỏi vị trí của bạn, nếu không sẽ nhận được câu trả lời chỉ trong 1 phút. Nếu không nâng cấp hệ thống liên lạc, việc thay đổi trạng thái sẽ mất thời gian, điều mà các tướng lĩnh cũng như nhà thiết kế đương nhiên hiểu".

"Chúng tôi cần một hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến cho phép 'bắn và bỏ chạy', đảm bảo khả năng sống sót trên chiến trường", chuyên gia quân sự Baranets giải thích với các phóng viên.

Theo ý kiến của Đại tá Baranets, khung gầm mới của 2S3M Akatsiya được đặc trưng bởi độ bền và tin cậy cao. Bên cạnh đó một số điều chỉnh đã được thực hiện đối với chất lượng của từng phát bắn.

Chiều dài của nòng pháo 152 mm vẫn không đổi, nhưng nhờ cải tiến đường đạn mà tầm bắn đã tăng lên 25 km. Nói cách khác, 2S3M mang trong mình những phẩm chất mới, trở nên uy lực hơn nhiều.

Chuyên gia Baranets nhấn mạnh, mặc dù Akatsiya đã phục vụ trong quân đội Liên Xô từ gần 50 năm trước nhưng nó vẫn tiếp tục là pháo tự hành quan trọng của quân đội Nga.

Nhờ thiết kế khéo léo và tin cậy, Akatsiya đã trải qua nhiều lần hiện đại hóa. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay có hơn 30 quốc gia sử dụng pháo tự hành của Nga.

"Một chi tiết gây tò mò - sau khi Liên Xô tan rã, người Mỹ đi ngang qua Nga như ‘chiếc máy hút bụi’ và thu gom tất cả vũ khí thú vị, bao gồm rất nhiều pháo tự hành Akatsiya, nhưng với đặc điểm kỹ chiến thuật chỉ một nửa vũ khí của chúng ta”, ông Baranets nói.

Theo nhà phân tích, người Mỹ có được những khẩu pháo tự hành này từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và những quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warsaw, họ mong đợi khám phá bí mật của pháo tự hành Nga khi nhận thấy sự ưu việt.

Chuyên gia Baranets tin rằng mọi vũ khí Nga, chẳng hạn như súng trường tấn công Kalashnikov đều có khả năng hiện đại hóa vô tận. Akatsiya cũng sẽ có câu chuyện tương tự, vì nó có tiềm năng rất lớn để cải tiến thêm.

Vị Đại tá dự bị kết luận: “Tôi nghĩ rằng trong 5 năm nữa, chúng ta sẽ có một loại pháo tự hành được cải tiến hơn nữa, đạn của loại pháo này sẽ mạnh hơn và bản thân nó sẽ cơ động hơn”.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-vi-sao-my-no-luc-mua-gom-phao-tu-hanh-akatsiya-sau-khi-lien-xo-tan-ra-post467357.antd