Vì sao Mỹ nhất quyết bán F-16 cho Đài Loan mặc Trung Quốc phản đối?

Thương vụ Mỹ bán F-16 cho Đài Loan có thể liên quan tới đàm phán Mỹ-Trung và là lời khẳng định của Washington với cam kết bảo vệ an ninh cho hòn đảo này.

Ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phê duyệt một thỏa thuận bán xe tăng M1A2T Abrams, tên lửa Stinger và các thiết bị liên quan khác với tổng giá trị lên đến 2,2 tỷ USD cho Đài Loan bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh.

Vào thời điểm đó, Mỹ không đả động gì tới thương vụ bán 66 chiếc F-16V trị giá 8 tỷ USD cho hòn đảo này. Mãi cho tới gần đây, Tổng thống Trump mới xác nhận rằng ông chấp thuận thương vụ mà Trung Quốc kịch liệt phản đối.

"Đó là 8 tỷ USD, là rất nhiều tiền và nhiều công việc được tạo ra. Chúng tôi biết Đài Loan sẽ dùng các khí tài này một cách có trách nhiệm”, ông Donald Trump nói hôm 19/8.

 Mỹ đồng ý bán F-16 cho Đài Loan bất chấp phản đối từ Trung Quốc. (Ảnh: NI)

Mỹ đồng ý bán F-16 cho Đài Loan bất chấp phản đối từ Trung Quốc. (Ảnh: NI)

Cơ quan Hợp tác an ninh Quốc phòng Mỹ (DCPA) khẳng định hợp đồng mua bán vũ khí này sẽ giúp duy trì sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực.

"Hợp đồng này phục vụ cho lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và khả năng phòng thủ đáng tin cậy của Đài Loan", thông báo của DCPA nêu rõ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng câu chuyện đằng sau thương vụ này chắc chắn không hoàn toàn như những gì mà Mỹ tuyên bố.

Trên thực tế, việc Đài Loan nhận được vũ khí hay chưa vẫn chưa được chắc chắn bởi thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1992, Mỹ bán F-16 cho Đài Loan. Cả 3 đời Tổng thống Mỹ trước đó, mà gần nhất của cựu Tổng thống Obama đều né tránh yêu cầu hỏi mua vũ khí của Đài Loan. Vì vậy, dễ thấy việc chính quyền Trump đồng ý bán F-16 cho thấy lập trường cứng rắn của vị Tổng thống Mỹ với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, điều mà ông không hề che giấu kể từ khi lên nắm quyền.

Hồi tháng 3, nhiều nguồn tin khẳng định Washington đã âm thầm chấp nhận lời đề nghị mua 60 tiêm kích F-16V của Đài Loan. Nhưng ông Trump và các cố vấn khi đó vẫn lấn cấn về lời đe dọa của Trung Quốc rằng động thái chuyển giao F-16 sẽ vượt lằn ranh đỏ mà Mỹ không thể vượt qua.

Khi Mỹ công bố thông báo thỏa thuận bán xe tăng M1A2T Abrams và tên lửa Stinger mà không đả động gì tới F-16V, tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm Mỹ-Trung vừa nối lại bàn đàm phán. Chuyên san National Interest cho rằng có thể Mỹ đã trì hoãn thương vụ F-16V để tránh phá hoại không khí tốt đẹp khi các cuộc thương thảo được nối lại hoặc coi 66 tiêm kích này là một con bài để mặc cả những nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Nếu đi theo kịch bản thứ 2, tuyên bố của ông Trump hôm 19/8 cho thấy Bắc Kinh có vẻ không chịu nhượng bộ và Mỹ quyết định ra tay.

Video: Chiến cơ F-16 lao vào nhà kho, phi công nhảy dù thoát chết như phim

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Eliot Engel và Michael McCaul khẳng định thương vụ F-16V là thông điệp mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực.

Theo giới quan sát, lô F-16V mới đây không chỉ là cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan theo Luật Quan hệ với Đài Loan có hiệu lực từ năm 1979 mà còn là lời nhắn nhủ của Mỹ với các đồng minh trong khu vực. Washington muốn đập tan các đồn đoán cho rằng họ đang "bỏ bê" đồng minh và lơ là trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ an ninh trong khu vực như từng hứa trước đó.

Nó cũng là lời cảnh báo đanh thép tới Trung Quốc rằng Mỹ từng khước từ cung cấp những khí tài hiện đại nhất cho Đài Loan để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh. Nhưng nếu quốc gia tỷ dân không hành xử tương xứng với nhượng bố đó, họ sẵn sàng xé rào, vượt lằn ranh đỏ.

Cùng với đó, việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan cũng là một cách để chính quyền Trump kiềm chế các chính sách của Trung Quốc trong khu vực.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-my-nhat-quyet-ban-f-16-cho-dai-loan-mac-trung-quoc-phan-doi-d493738.html