Vì sao Mỹ-NATO 'mất ăn mất ngủ' vì tình hình Belarus?

Nếu chậm chân trong ván cờ Belarus, Washington-Brussels có nguy cơ phải đứng nhìn Nga 'lấy gió Biển Đen bẻ măng Baltic'....

Mỹ-phương Tây lo lắng việc Nga kiểm soát tình hình Belarus

Reuters ngày 21/8 dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đang chuẩn bị kế hoạch thăm Litva, sau đó sẽ đến Nga để thảo luận về tình hình Belarus. Dự kiến ngày 24/8, ông Biegun sẽ có mặt ở Vilnius.

Trước những phản ứng của Mỹ-phương Tây đối với tình hình tại Belarus, không khó nhận diện sứ mệnh của ông Stephen Biegun là tìm kiếm một giải pháp hòa bình dành cho Belarus và ngăn chặn Nga can thiệp sâu hơn vào quốc gia cựu Xô Viết này.

Qua động thái sốt sắng này cho thấy Mỹ và các đồng minh của mình ở châu Âu lo về tình hình ở Belarus còn hơn cả Nga - quốc gia vốn là đồng minh và là láng giềng "liền giậu, liền sân" với Belarus.

Dường như Washington và các đồng minh lo ngại Tổng thống Putin sẽ tái áp dụng cơ chế biến sự sụp đổ của Liên Xô thành thảm họa với Mỹ-phương Tây vào giải quyết bất ổn tại Belarus sau bầu cử tổng thống lần thứ 6, nên phải nhanh chóng ngăn chặn.

Thừ trưởng Stephen Biegun chuẩn bị phải thực hiện một sứ mệnh khó khăn

Thừ trưởng Stephen Biegun chuẩn bị phải thực hiện một sứ mệnh khó khăn

Có thể nhận định rằng chiến lược đối ngoại "chỉ ưu tiên xây đối tác, không chú trọng kết đồng minh"của Tổng thống Putin đã tạo điều kiện giúp cho Mỹ và các đồng minh nhanh chóng phá băng trong quan hệ với Belarus.

Và cũng chính điều này đã khiến cho chính quyền Minsk và Tổng thống Lukashenko có những chuyển động được nhận diện là lệch pha với Moscow, khiến cho "gió Tây" thổi ngày càng mạnh vào đời sống chính trị và đời sống xã hội Belarus.

Trong bối cảnh ấy, cuộc bầu cử tổng thống Belarus lần thứ 6 được cho là cơ hội để Washington và đồng minh kéo Minsk ra xa Moscow hơn nữa, nhất là khi Tổng thống Lukashenko nghi ngờ Kremlin giật giây cho các bất ổn ngay trước cuộc bầu cử.

Có thể thấy, những chuyển động chính trị tại Belarus đã khiến Mỹ và các đồng minh chủ quan nên vội vàng thực hiện chiêu trò "qua cầu rút ván" với Lukashenko, mà việc không cử quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử đã thể hiện rõ điều đó.

Song Washington và đồng minh đã thất bại trong toan tính "ăn non" của mình vì Tổng thống Lukushenko nhận thấy nguy cơ từ "những người bạn mới" đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị, thậm chí cả tính mạng của ông, nên đã kêu gọi Nga giúp đỡ.

Đáp lời, Tổng thống Putin cam kết Nga sẽ đứng bên cạnh Belarus, thậm chí Kremlin có thể can thiệp quân sự để đảm bảo an ninh và ổn định cho Belarus theo thỏa ước giữa hai nước và theo thỏa ước an ninh tập thể mà Nga và Belarus cùng tham gia.

Lời kêu gọi của ông Lukashenko gửi tới Nga được xem là một bước ngoặt đầy kịch tính. Bởi trong mọi tình huống, Moscow đều đạt được theo tính toán, và việc Belarus phải liên kết với Nga hay cho phép Nga đặt căn cứ quân sự là có thể nhận diện.

Ông Frederick Kagan, Cố vấn cho nhóm các vấn đề về Nga thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington cho rằng, nếu để Tổng thống Putin thực hiện được các tính toán trong vấn đề Belarus thì đó là thảm họa với Mỹ-NATO.

"Nếu Tổng thống Putin giành được quyền kiểm soát Belarus và đưa quân tới đồn trú tại nước này, Nga sẽ làm suy yếu khả năng của NATO trong việc bảo vệ các thành viên ở vùng Baltic, từ đó làm suy yếu liên minh quân sự này", The Hill tường thuật.

Tổng thống Lukashenko đã nhận ra bộ mặt thật của những người bạn mới

Nguy cơ Nga lấy gió Biển Đen để bẻ măng Baltic

Theo The Hill, Belarus có một vị trí chiến lược rất trọng yếu. Quốc gia cựu Xô Viết này ngăn cách phần lãnh thổ chính của Nga với Ba Lan và Litva đồng thời bao bọc lối vào phía bắc của Kiev - thủ đô của Ukraine.

Trong khi đó Kaliningrad - phần lãnh thổ tách biệt của Nga nằm trên bờ biển Baltic giữa Ba Lan và Litva, được ngăn cách với Belarus bằng một hành lang rộng khoảng 64 km được gọi là Khoảng trống Suwalki.

Các lực lượng bộ binh và hậu cần của NATO phải sử dụng hành lang này nếu muốn đến được vùng Baltic. Hiện nay việc đi lại của NATO qua Khoảng trống Suwalki bị cho là gặp nhiều thách thức do Nga đã triển khai nhiều vũ khí tại Kaliningrad.

Nếu Nga tiếp tục giành được quyền đưa các lực lượng phòng không và bộ binh tới đồng trú ở phía bên kia Khoảng trống Suwalki, trong lãnh thổ Belarus, thì khả năng Mỹ-NATO hỗ trợ các lực lượng ở vùng Baltic sẽ cực kỳ khó khăn.

Chuyên gia Frederick Kagan bình luận : "Việc lực lượng bộ binh tiếp viện ở khoảng cách chỉ một giờ đồng hồ lái xe, ông Putin có thể biến Kaliningrad từ một vùng lãnh thổ dễ bị tấn công thành một lưỡi dao kề sát cổ NATO".

Như vậy, nếu Mỹ-NATO việt vị trước Putin trong ván cờ Belarus, Kaliningrad sẽ trở nên lợi hại vô cùng. Theo Reuters, khi Kaliningrad còn "đơn độc", đã bị Mỹ-NATO xem là mối đe dọa, nên mọi kết nối với cứ điểm này đều là hậu họa.

Đặc biệt, vấn đề càng trở nên nguy hại với Mỹ-NATO khi Khoảng trống Suwalki sẽ giúp làm tăng mức độ lợi hại của vòng cung Crimea-Kaliningrad, vốn đã khiến Mỹ-NATO đứng ngồi không yên.

"Crimea là điểm cực nam của một hệ thống các cơ sở quân sự mới của Nga, trải dài về phía bắc trong một vòng cung qua phía tây nước Nga và kết thúc ở Kaliningrad - tiền đồn của Nga tại vùng Baltic”, Reuters phân tích.

Mỹ-phương Tây đã rất thất vọng để mất Crimea, song khi Nga liên tục làm căng dây cung Crimea-Kaliningrad trong khả năng công-thủ, khiến các mũi tên được đẩy đi từ dây cung này đạt công lực tối đa, thì không thể chịu đựng được nữa.

Từ Belarus, Putin có thể làm tăng tối đa dây cung Crimea-Kaliningrad

Bởi nó khiến Washington và đồng minh không thể nguôi ngoai nỗi đau Crimea, dù có gia tăng trừng phạt Nga. Do vậy, Mỹ-NATO liên tục điều chiến hạm tới "quậy" Biển Đen nhằm làm giãn dây cung Crimea-Kaliningrad, phá thế cờ của Putin ở Crimea.

Tuy nhiên, cho đến nay những hành động của Mỹ-NATO vẫn chưa thể làm thay đổi thay đổi tình hình. Vì vậy, nếu chậm chân trong ván cờ Belarus, Washington-Brussels hoàn toàn có nguy cơ phải đứng nhìn Putin "lấy gió Biển Đen bẻ măng Baltic".

Giới phân tích cho rằng, đây mới là lý do chính khiến Mỹ-NATO đứng ngồi không yên trước tình tại Belarus. Giờ này, có lẽ Washington mới nhận ra sự nguy hại từ việc Vladimir Putin tạo điều kiện giúp Mike Pompeo phá băng cho quan hệ Mỹ-Belarus.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-my-nato-mat-an-mat-ngu-vi-tinh-hinh-belarus-3417743/