Vì sao Mỹ muốn chặn Dòng chảy phương Bắc 2?

Một nhóm các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo tờ The Washington Examiner (Mỹ), trong thông điệp của các nghị sĩ gửi đến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Thứ trưởng ngoại giao John Sullivan có đoạn:

"Việc dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn được triển khai khiến chúng tôi vô cùng lo ngại. Chúng tôi phản đối dự án khí đốt Nord Stream 2 và đề nghị chính quyền ngăn chặn việc xây dựng các đường ống này bằng mọi biện pháp".

Các thượng nghị sĩ lập luận, rằng nếu đường ống dẫn khí đốt được xây dựng thì các "đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn từ Nga".

Mỹ khó vượt được Nga trong cuộc chiến vận chuyển LNG đến thị trường châu Âu. Ảnh: Reuters

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 liên tiếp vấp phải sự phản đối của Mỹ, không phải chỉ vì Washington lo ngại đây là công cụ chính trị nhằm buộc EU phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga mà còn bởi Mỹ đang nuôi tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.

Trước đó, bình luận về dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Sandra Oudkirk nhấn mạnh, dự án này sẽ có "hậu quả chiến lược địa chính trị quy mô lớn" cho nhiều thế hệ người châu Âu, và tiến trình của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom có thể dẫn đến sự biến mất của khí hóa lỏng Mỹ nhằm "thay thế" Nga tại các thị trường EU.

Tuy nhiên, nếu hình dung về cuộc đối đầu về khí đốt giữa Nga và Mỹ trên lãnh thổ châu Âu có thể thấy, khí đốt của Nga có phần thuận lợi hơn bởi chi phí vận chuyển vượt qua Đại Tây Dương và quá trình chuyển đổi LNG từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí cho thích hợp với cách sử dụng thông thường khá cao.

Mỹ muốn cô lập Nga khỏi châu Âu bằng cách cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, nhưng cho đến nay, tỷ lệ lớn khí nhập khẩu của châu Âu vẫn là do Nga cung cấp.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt và một số khó khăn khác, Nga vẫn là nhà cung cấp chính vì một lý do đơn giản Nga là châu Âu, nước này có vị trí địa lý đắc địa, gần gũi hơn tất cả.

Ngoài ra, chi phí sản xuất khí của Nga thấp hơn nhiều so với ở Mỹ.

Trong khi đó, vận chuyển khí đốt từ Mỹ tới châu Âu là quá xa và rất tốn kém.

Rõ ràng, ảnh hưởng của Mỹ đối với thị trường khí đốt châu Âu vẫn còn rất nhỏ và không thể tăng mạnh trong tương lai. Tham vọng thay thế nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu của Mỹ xem ra là kế hoạch bất khả thi.

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine.

Dự án này dự kiến xây dựng song song, và sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh.

Tổng chi phí của dự án ước tính khoảng 9,5 tỷ euro.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/vi-sao-my-muon-chan-dong-chay-phuong-bac-2-3354679/