Vì sao Mỹ lựa chọn đối đầu cứng rắn với Nga tại Syria?

Giữa lúc hừng hực khí thế chiến thắng trên khắp các mặt trận chống khủng bố trong nước, Quân đội Syria lại đứng trước mối đe dọa về một cuộc tấn công từ Mỹ. Phải chăng Washington muốn ngăn cản bước tiến của lực lượng chính phủ Damascus?

Được sự hỗ trợ của Nga, Quân đội Syria đã giành chiến thắng vang dội liên tiếp trên khắp các mặt trận chống khủng bố trong nước và đang chuẩn bị mở chiến dịch quân sự quy mô lớn tại tỉnh Idlib thành trì lớn nhất của các lực lượng nổi dậy tại Syria.

Tuy nhiên, Quân chính phủ Syria lại đang đứng trước mối đe dọa đến từ bên ngoài về một cuộc tấn công từ phía Mỹ và đồng minh. Hôm 30/8 vừa qua, Moscow cáo buộc Washington đang có những động thái để chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm vào Syria, dưới cái cớ là lực lượng chính phủ Damascus sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường tại Idlib.

Nga và Mỹ đứng trước nguy cơ đối đầu quân sự tại Syria. Ảnh: CNN.

Theo giới chuyên gia, nếu tỉnh Idlib được Quân chính phủ Syria giải phóng, lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn tại đây có thể sẽ bị tiêu diệt. Do vậy, Mỹ được cho là sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Syria tại Idlib để tránh kịch bản này xảy ra, bất chấp nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017 đến nay, Mỹ đã hai lần tấn công Syria nhằm đáp trả cái gọi là những bằng chứng không thể chối cãi về các cuộc tấn công hóa học (của Quân chính phủ Syria) nhằm vào dân thường.

Đồng thời, Mỹ cảnh báo nếu có bất kỳ cuộc tấn công hóa học nào nữa xảy ra thì Chính phủ Syria sẽ phải tiếp tục hứng thêm những đòn đáp trả. Trên thực tế, việc Mỹ không kích Syria không khác gì là lời cảnh cáo và răn đe gửi đến Nga.

Mời độc giả xem video: Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria vào tháng 4/2017 (Nguồn: VTC News)

Tháng 4/2018, Sputnik dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho hay, Mỹ rõ ràng đã chuyển sang sử dụng chính sách đối đầu cứng rắn với Nga bởi Washington coi Moscow là mối đe dọa đối với sự thống trị tuyệt đối của họ trên thế giới.

“Chính sách đối ngoại độc lập và sự ủng hộ tích cực nhất quán những lợi ích quốc gia của Nga bị Mỹ coi là một mối đe dọa đối với sự thống trị tuyệt đối của họ trên thế giới”, Patrushev nhấn mạnh.

Thiên An (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/vi-sao-my-lua-chon-doi-dau-cung-ran-voi-nga-tai-syria-1108161.html