Vì sao Mỹ liên tục thay đổi quyết định đánh thuế với hàng Trung Quốc?

Chỉ 10 ngày trước, Trung Quốc và Mỹ đã tạm thời trì hoãn áp thuế mới. Tuy nhiên, ngày 29/5, Nhà Trắng tuyên bố sẽ đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Ngày 29/5, Nhà Trắng đột ngột thay đổi thái độ. Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu cũng như siết chặt quy định đầu tư từ công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ quan trọng, bất chấp việc chỉ 10 ngày trước, hai bên đã tạm thời trì hoãn việc áp thuế mới khi các cuộc đàm phán tiếp tục.

Chiến lược quen thuộc

Các nhà nghiên cứu nhận định, động thái này không nằm ngoài sách lược quen thuộc của ông Trump. Đó là sử dụng các hành động đe dọa đơn phương để cố gắng tận dụng đòn bẩy trong các đàm phán thương mại.

Truyền thông Mỹ cũng đưa tin, Washington đang tạo áp lực để Bắc Kinh ký kết một hợp đồng mua hàng nông sản và năng lượng dài hạn.

Đây được xem như một phần trong thỏa thuận thương mại lớn nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại 337 tỷ USD với Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ thảo luận về danh sách một loạt các mặt hàng mà Trung Quốc có thể mua từ Mỹ trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tuần này

Ông Ross dự kiến sẽ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu có thể thay thế cho hàng hóa mà Trung Quốc đang nhập từ các nước khác như sản phẩm tinh chế, khí hóa lỏng, hàng nông sản như thịt bò, đậu nành và gia cầm.

Tương tự, trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người dẫn đầu trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc, đã đề cập đến khả năng tăng khoảng 50-60 tỷ USD hàng năm trong xuất khẩu.

Đây có thể là một nỗ lực để đạt được ưu thế trước cuộc đàm phán này, William Reinsch, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế lý giải.

Có một vài lý do chiến thuật mà chính quyền Trump có thể đã quyết định vào thứ ba để đi trước với thuế quan và hạn chế đầu tư. Tổng thống Trump đang phải đối mặt với áp lực chính trị đáng kể từ Quốc hội bởi quyết định giảm bớt các hình phạt với “ông lớn” viễn thông Trung Quốc ZTE. Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố cho phép công ty viễn thông Trung Quốc ZTE nối lại hoạt động tại Mỹ sau khi trả 1,3 tỷ USD tiền phạt. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ cả 2 đảng tại Quốc hội Mỹ. Một số nghị sĩ cho rằng, ông Trump đã nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều trong đàm phán thương mại.

Thông điệp đằng sau tuyên bố thuế quan hôm hướng đến nhiều đối tượng chính trị trong nước hơn là đối với chính phủ Trung Quốc, ông Eric Altbach, nguyên Phó trợ lý đại diện thương mại của Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.

Nội bộ lục đục

Đầu tháng này, cả hai quốc gia đều cho biết họ đã đạt được thỏa thuận ban đầu và Trung Quốc sẽ "tăng đáng kể" việc mua hàng hóa từ Mỹ, bằng cách mua thêm nông sản và năng lượng xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tuyên bố trên Fox News rằng cuộc chiến thương mại đã được "tạm hoãn”.

Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer đưa ra một tuyên bố cảnh báo rằng các vấn đề lớn giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, và thuế quan, hạn chế đầu tư và quy định xuất khẩu vẫn còn trên bàn.

Các chuyên gia nhận định, một số mâu thuẫn xuất phát từ trong đội ngũ chia rẽ của Tổng thống Trump.

Khi Tổng thống Trump lần đầu tiên chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 3, sau một cuộc điều tra kéo dài hàng tháng về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, động thái này được coi là chiến thắng cho những người có quan điểm “diều hâu” trong chính quyền Tổng thống Trump.

Nhưng trong những tuần tiếp theo, các cuộc đàm phán với Trung Quốc tập trung vào các mối quan tâm hẹp hơn, chẳng hạn như thâm hụt thương mại song phương.

Ông Eric Altbach, phó chủ tịch cấp cao của Albright Stonebridge Group và nguyên Phó trợ lý đại diện thương mại của Mỹ cho Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết, Bắc Kinh không có lý do gì để giải quyết các vấn đề mà Washington đưa ra nếu các ưu tiên liên tục thay đổi.

"Khi lãnh đạo của chương trình nghị sự thương mại liên tục dao động giữa Mnuchin và Lighthizer, việc này sẽ không thúc đẩy Trung Quốc bắt đầu thực hiện những nhượng bộ lớn", Altbach nói.

Nếu cuộc chiến thực sự về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, Washington có thể kêu gọi một số đồng minh để giúp gia tăng áp lực. Nhưng các nước đồng minh này sẽ không tham gia nếu họ nghĩ rằng đột nhiên Washington thay và chỉ tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, chiến lược này có thể không giúp Washington đạt được điều họ muốn từ Bắc Kinh.

Lan Hương (Theo CNN)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-my-lien-tuc-thay-doi-quyet-dinh-danh-thue-voi-hang-trung-quoc-317559.html