Vì sao Mỹ đóng cửa chính phủ?

Từ ngày 22-12-2018 đến ngày 22-1-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đóng cửa chính phủ 30 ngày, vượt con số kỷ lục 21 ngày đóng cửa chính phủ dưới thời Tổng thống Bill Clinton năm 1995. Cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu việc đóng cửa chính phủ sẽ kết thúc.

Nguyên nhân chính

Nói một cách đơn giản do chính phủ hết tiền nên đóng cửa, nghĩa là việc chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa vì hết tiền do không được Quốc hội lưỡng viện thông qua ngân sách hoạt động mới. Nhìn chung, “đóng cửa chính phủ” là biện pháp các chính quyền liên bang cũng như tiểu bang và chính quyền địa phương thuộc ngành hành pháp Mỹ thường sử dụng, để đối phó với các cơ quan có quyền chuẩn chi ngân sách chi tiêu hàng năm (Quốc hội, hội đồng thành phố…) đã không đáp ứng những yêu cầu chi tiêu tài chính của họ đề ra.

Người dân Mỹ không xa lạ gì việc chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa vì hết tiền. Chỉ riêng từ năm 1981 đến nay, nước Mỹ đã trải qua 12 lần chính phủ phải đóng cửa và dịp đóng cửa này của chính phủ Tổng thống Trump là lần thứ 13. Nhưng đây là lần đầu tiên đóng cửa chính phủ dài kỷ lục, đặc biệt là một Tổng thống với đảng của mình nắm quyền kiểm soát ở Quốc hội (Hạ viện trước bầu cử giữa kỳ, Thượng viện sau bầu cử giữa kỳ) nhưng vẫn không thể thông qua được ngân sách.

Thông thường dân chúng Mỹ chỉ chú ý nhiều đến các hành động đóng cửa chính phủ của chính quyền liên bang hơn là chính quyền tiểu bang hay địa phương. Chính phủ sẽ phải đóng cửa khi Hạ viện hoặc Thượng viện không phê chuẩn ngân sách hoạt động theo yêu cầu của chính phủ. Điều này có thể xảy ra do các bất đồng về chính sách thu chi giữa tổng thống, người đứng đầu hành pháp và Quốc hội lập pháp, vốn nắm giữ quyền quyết định về tài chính cho hoạt động hàng năm của các ngành công quyền quốc gia.

Nhân viên liên bang biểu tình đòi Tổng thống Donald Trump mở cửa chính phủ.

Nhân viên liên bang biểu tình đòi Tổng thống Donald Trump mở cửa chính phủ.

Nếu 2 viện Quốc hội cho rằng các chính sách công của chính phủ có vấn đề, và việc phân bổ ngân sách hiện tại không hiệu quả, họ đều có quyền phủ quyết ngân sách chính phủ đưa ra. Ngược lại, chính phủ cũng có thể đóng cửa như là một công cụ áp lực khi đàm phán với Quốc hội để yêu cầu cơ quan này chấp thuận các dự toán tài chính của mình.

Mâu thuẫn chính trong việc Tổng thống Donald Trump đóng cửa chính phủ liên bang vì Quốc hội liên bang đã không đồng ý chi 5,7 tỷ USD để xây bức tường biên giới ngăn chặn tệ nạn nhập cư trái phép của di dân nước ngoài (một cam kết then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump). Lý do Tổng thống Trump đưa ra là vì an ninh quốc gia cần ngăn chặn các di dân bất hảo, tội phạm và buôn lậu ma túy là những nguy cơ và gánh nặng xã hội người dân Mỹ phải gánh chịu.

Quốc hội đã không đồng ý ghi vào Luật Ngân sách 2019, vì không đồng tình với những lý do cần phải xây bức tường biên giới. Trái lại, Quốc hội cho rằng xây dựng một bức tường như vậy quá tốn kém, lại không có hiệu quả thực tế, tiêu tốn tiền thuế quá nhiều của dân một cách không cần thiết. Trong khi thực tế làn sóng nhập cư bất hợp pháp là “quốc nạn” đã có từ lâu, cũng không quá nghiêm trọng đến độ đe dọa an ninh quốc gia như Tổng thống Trump cường điệu quá đáng. Do đó, Quốc hội chỉ đồng ý dự toán ngân sách khoản chi hơn 1 tỷ USD để thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh biên giới như lâu nay.

Hậu quả

Việc đóng cửa chính phủ không phải toàn bộ cơ quan chính phủ liên bang sẽ nghỉ không làm việc. Chỉ những cơ quan được coi là phụ, không quan trọng mới được xem xét tạm dừng hoạt động. Các cơ quan thiết yếu khác thực hiện chức năng căn bản và các bộ phận tối quan trọng của chính phủ liên bang, như Bộ An ninh Nội địa hay FBI vẫn được duy trì. Những nhân viên các cơ quan này tiếp tục làm việc bình thường, nhưng có thể họ sẽ không được thanh toán đúng hạn tiền lương cho những ngày làm việc này. Tuy nhiên, việc đóng cửa chính phủ ở Mỹ đã đưa đến hậu quả khá nghiêm trọng về nhiều mặt.

Báo Anh Guardian cho biết gần 40% nhân sự chính phủ liên bang (khoảng 850.000 viên chức) đang bị đặt ở tình trạng “nghỉ phép”, hay thất nghiệp tạm thời, không làm việc và không được trả lương, là hậu quả của cuộc đóng cửa. Các nghị sĩ quốc hội vẫn được trả lương vì họ thuộc cơ quan lập pháp, trong khi những viên chức buộc phải nghỉ việc hay đi làm việc không lương nếu chính phủ đóng cửa lâu, cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn nhiều mặt.

Đồng thời, việc này kéo theo các hậu quả dây chuyền khác, như công việc bị đình trệ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực chịu ảnh hưởng (như rác tràn lan trên công viên gây ô nhiễm môi trường, các nơi tham quan bị đóng cửa làm thất thu ngân sách, an ninh trật tự bị đe dọa vì thiếu nhân lực bảo vệ an ninh công cộng…).

Guardian dẫn một báo cáo của hãng phân tích S&P Global, cho biết một cuộc đóng cửa chính phủ sẽ làm tổn thất của chính phủ Mỹ khoảng 6,5 tỷ USD/tuần. Phân tích này dựa trên tổn thất của các lần đóng cửa trước kèm dự đoán về thiệt hại cho nền kinh tế. Tờ Guardian viết: “Việc chính phủ tạm ngưng hoạt động một phần, đồng nghĩa với việc không có khoản chi trả nào để tiêu dùng, các nhà cung cấp dịch vụ từ khối tư nhân mất công ăn việc làm và doanh thu, các cửa hàng bán lẻ không bán được hàng, đặc biệt những người có liên hệ với các công viên quốc gia bị đóng cửa, và thất thu thuế cho đất nước… Việc này đồng nghĩa với một nền kinh tế ít hoạt động và ít công ăn việc làm hơn. Một hậu quả khác, là gần 1 triệu người sẽ không nhận được các khoản chi trả định kỳ”.

Triển vọng giải quyết
Cho đến giờ này rất ít triển vọng chấm dứt việc đóng cửa chính phủ. Vì cả Tổng thống Donald Trump và Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát không ai nhượng bộ ai. Ông Trump vẫn kiên quyết bảo vệ yêu sách 5,7 tỷ USD để xây bức tường biên giới, đồng thời tuyên bố có thể đóng cửa chính phủ nhiều tháng, thậm chí cả năm, nếu yêu sách không được Quốc hội thỏa mãn. Yêu sách này lại được hậu thuẫn của nhiều nghị sĩ Cộng hòa nắm đa số Thượng viện.

Hiện tại giải pháp theo tiền lệ nhằm mở cửa lại chính phủ là sự nhượng bộ và đàm phán thỏa hiệp của cả đôi bên, đang có vẻ khó xảy ra. Đây là vấn đề của hệ thống chính trị Mỹ, không phải chỉ hiện tại, còn ở tương lai khi các nhánh của quyền lực mâu thuẫn ngày càng thường xuyên hơn. Thậm chí một số người cho rằng 2 phe sẽ tìm đến giải pháp pháp lý… Thực tế câu hỏi bao giờ chính phủ hoạt động trở lại thật khó đoán.

Đóng cửa chính phủ lần này dài nhất lịch sử Mỹ kể từ năm 1976, khi Quốc hội Mỹ bắt đầu có nhiều quyền lực hơn trong việc duyệt chi tiêu ngân sách. Trong các lần chính phủ Mỹ đóng cửa trước đây, nguyên nhân thường đến từ mâu thuẫn chính sách. Vào năm 1977, Thượng viện và Hạ viện không thể nhất trí về việc bảo hiểm y tế có nên chi trả cho việc phá thai, dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa 4 lần kéo dài tổng cộng 28 ngày. Năm 1981, chính phủ tiếp tục đóng cửa do Tổng thống R. Reagan yêu cầu Quốc hội giảm 8,4 tỷ USD chi tiêu công. Năm 2013, chính phủ Mỹ cũng đóng cửa 16 ngày vì đảng Cộng hòa không muốn ngân sách được duyệt cho chương trình Obamacare của Tổng thống đảng Dân chủ Obama.

Trí Dân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/vi-sao-my-dong-cua-chinh-phu-65336.html