Vì sao Mỹ đình chỉ thử nghiệm toàn diện F-35?

Lầu Năm Góc tạm ngừng giai đoạn thử nghiệm vận hành toàn diện máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 vì không đáp ứng được yêu cầu về phần mềm.

Một tài liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho biết rằng, chương trình tạo ra chiếc máy bay tiêm kích-tàng hình của Lầu Năm Góc với chi phí hơn 1,5 nghìn tỷ USD không đáp ứng được với các yêu cầu cơ bản nhất trong việc thử nghiệm. Đây là những yêu cầu quan trọng quyết định loại máy bay này bước sang giai đoạn thử nghiệm vận hành toàn diện (IOT&E), tờ Defence Aerospace cho biết.

Máy bay vàng F-35 của Mỹ

Cuộc thử nghiệm này được coi là bài kiểm tra, là trở ngại pháp lý cuối cùng để quyết định sản xuất đẩy đủ máy bay tiêm kích thế hệ mới này. Vì vậy, thông tin này có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời hạn sản xuất hàng loạt F-35.

Giám đốc bộ phận đánh giá và thử nghiệm tác chiến thuộc Lầu Năm Góc, ông Robert Behler cho biết, sẽ tạm dừng giai đoạn thử nghiệm IOT&E máy bay tiêm kích tàng hình cho đến khi nào khắc phục hoàn toàn những sự cố của chúng, đặc biệt là liên quan đến vấn đề về phần mềm.

“Hoạt động thử nghiệm tiếp theo không thể bắt đầu cho đến khi các phiên bản mới của phần mềm trên F-35 được cập nhật”, ông Robert Behler nói.

Theo ông Behler, phần mềm phiên bản mới trên F-35 cần phải đảm bảo cho chiếc máy bay khả năng thực hiện được một số nhiệm vụ quân sự quan trọng.

Trước đó, theo kế hoạch của Lầu Năm Góc ngày 15/9/2018 sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm IOT&E. Tuy nhiên với quyết định mới này thời hạn thử nghiệm sẽ phải chuyển dời sang ít nhất hai tháng sau.

Ngoài vấn đề về phần mềm, mới đây tạp chí nổi tiếng của Mỹ The National Interest cũng đã tiết lộ rằng, chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 rất dễ bị sét đánh.

Theo nhận định của người đứng đầu văn phỏng thử nghiệm và đánh giá của Lầu Năm Góc, F-35 đang bị quá nhiều lỗi nghiêm trọng và cần thời gian khắc phục.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra ngân sách (GAO) của Mỹ cho biết, cơ quan này đã phiện ra gần 1000 khuyết điểm trong dự án chế tạo máy bay tiêm kích F-35 Lightning II, trong đó có 110 lỗi có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Hơn nữa, Lầu Năm Góc đã bị vạch trần việc nhà sản xuất cố gắng che giấu những khuyết điểm quan trọng của chiếc máy bay tiêm kích mới nhất của Mỹ.

Tham vọng của Mỹ sẽ là sản xuất F-35 Lightning II với số lượng lớn, ước tính khoảng gần 3000 chiếc. Và mặc dù chúng chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt nhưng ngoài Israel, các quốc gia như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đã đặt hàng trước loại tiêm kích này.

F-35 là một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do Lockheed Martin phát triển cho Không quân, Hải quân Mỹ. Nó được xem là một “cứu cánh” để Mỹ có thể hỗ trợ các nước đồng minh của Mỹ một loại máy bay tàng hình khi mà F-22 không được phép xuất khẩu.

Chí Huy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vi-sao-my-dinh-chi-thu-nghiem-toan-dien-f-35-3365508/