Vì sao Mỹ điều cùng lúc 3 hàng không mẫu hạm tuần tra Thái Bình Dương?

Việc Mỹ triển khai cùng lúc 3 hàng không mẫu hạm 100.000 tấn tới Thái Bình Dương đã lập tức vấp phải phản ứng của phía Trung Quốc, trong đó truyền thông nhà nước nói rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ khi bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực.

3 hàng không mẫu hạm của Mỹ đang tuần tra vùng biển Thái Bình Dương (Ảnh: CNN)

3 hàng không mẫu hạm của Mỹ đang tuần tra vùng biển Thái Bình Dương (Ảnh: CNN)

Tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt hiện đang tuần tra ở Tây Thái Bình Dương, trong khi tàu USS Nimitz tuần tra ở phía Đông; theo thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ. Với việc mỗi tàu mang theo hơn 60 máy bay thì đây là đợt triển khai hàng không mẫu hạm lớn nhất mà Mỹ thực hiện ở Thái Bình Dương kể từ năm 2017 – thời điểm căng thẳng với Triều Tiên do vấn đề hạt nhân.

Sự hiện diện của 3 tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương lần đầu tiên xuất hiện trên một bài viết của hãng Reuters hôm thứ Sáu tuần trước.

“Các tàu sân bay cùng các nhóm tác chiến tàu sân bay rõ ràng là một biểu tượng cho sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi thực sự hào hứng khi chúng tôi đang có 3 chiếc ở thời điểm hiện tại” – Chuẩn Đô đóc Stephen Koehler, chỉ huy chiến dịch thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nói với AP.

Trong hôm Chủ nhật vừa qua, tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói rằng các tàu sân bay trên của Mỹ có thể đe dọa các binh sĩ của họ ở Biển Đông.

“Bằng việc tập hợp các tàu sân bay này, Mỹ đang cố thể hiện trước khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn duy trì lực lượng hải quân mạnh nhất, và họ có thể đi vào Biển Đông và đe dọa binh sĩ Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), cùng lúc cho tàu thuyền bằng qua các vùng biển lân cận để Mỹ có thể thực hiện chính sách bá quyền” – Li Jie, chuyên gia hàng hải ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu.

Bài viết trên – được đăng tải trên website bản tiếng Anh của quân đội Trung Quốc – cũng nhấn mạnh về các loại vũ khí mà quân đội nước này sẵn có, thêm rằng Bắc Kinh có thể tổ chức các cuộc tập trận để đáp trả phía Mỹ và phô diễn sức mạnh quân sự.

“Trung Quốc sở hữu nhiều vũ khí diệt hàng không mẫu hạm như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26” – bài viết có đoạn.

Sự hiện diện của 3 tàu sân bay có ý nghĩa ra sao?

Việc triển khai của Mỹ cũng cho thấy rằng 3 trong tổng số 7 hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Mỹ hiện tập trung ở Thái Bình Dương. 4 chiếc còn lại đang cập cảng để bảo dưỡng.

Collin Koh – chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore – nói rằng Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ là bởi sự hiện diện của các tàu sân bay trên xung đột với điều mà Bắc Kinh mô tả, đó là sức mạnh hải quân Mỹ đang bị kiềm chế bởi đại dịch COVID-19.

“Nó đi ngược lại điều mà Trung Quốc muốn thúc đẩy, đó là Mỹ đang chịu sức ép ở khu vực Thái Bình Dương” – ông Koh nói.

Thực tế, tàu Roosevelt mới trở lại hoạt động từ ngày 4/6 sau khi trải qua nhiều tuần lễ neo tại cảng ở đảo Guam do virus corona chủng mới lây lan trên tàu trong tháng 3, khiến hơn 1.000 trong tổng số 4.900 thành viên thủy thủ đoàn nhiễm bệnh.

“Chúng tôi đã cho tàu Theodore Roosevelt trở lại hoạt động trên biển như một biểu tượng của hy vọng và cảm hứng, cũng là cơ sở sức mạnh quốc gia” – Carlos Sardiello, hạm trưởng tàu USS Theodore Roosevelt, nói trong một tuyên bố.

Tàu Reagan đã trở lại hoạt động từ cuối tháng 5, sau khi các thành viên thủy thủ đoàn bị đặt trong diện hạn chế đi lại tại cảng nhà ở Nhật Bản để đảm bảo không còn ca nhiễm COVID-19.

Trong bối cảnh căng thẳng

Việc triển khai 3 hàng không mẫu hạm cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Tuần trước, một chiếc máy bay vận tải C-40 của hải quân Mỹ đã bay qua đảo Đài Loan để tới Thái Lan, được hải quân Mỹ mô tả như một chuyến bay logistics thường lệ. Chiếc máy bay này được điều hướng bay qua Đài Loan bởi trạm điều khiển không lưu của Đài Loan; CNN dẫn lời phát ngôn viên hải quân Mỹ Reann Mommsen nói.

Tuy nhiên, Bắc Kinh gọi chuyến bay này là “hành động phi pháp và khiêu khích nghiêm trọng”, theo Tân Hoa Xã.

“Chuyến bay này làm xói mòn chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế và nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế” – Tân Hoa Xã dẫn lời ông Zhu Fenglian, phát ngôn viên của Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, nói.

Vào ngày 4/6, hải quân Mỹ cũng cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường băng qua eo biển Đài Loan, ngăn cách hòn đảo này với Trung Quốc đại lục. Ở Biển Đông, các chiến hạm của Mỹ cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ tự do hàng hải trong năm nay. Các máy bay ném bom B-1 và máy bay do thám của Mỹ cũng hoạt động trên vùng biển này.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/vi-sao-my-dieu-cung-luc-3-hang-khong-mau-ham-tuan-tra-thai-binh-duong-485656.html