Vì sao Mỹ đặc biệt lo ngại 'Hố đen đại dương' của Hải quân Nga?

Hố đen đại dương của Hải quân Nga - các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo khiến Mỹ cảm thấy bất an, tờ 19FortyFive cho biết.

Quân đội Mỹ ghét các "Hố đen đại dương" - tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga (NATO định danh cho các tàu ngầm Dự án 877 Halibut và Dự án 636 Varshavyanka), chuyên gia người Mỹ Peter Suchiu của tờ 19FortyFive nhận xét.

Quân đội Mỹ ghét các "Hố đen đại dương" - tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga (NATO định danh cho các tàu ngầm Dự án 877 Halibut và Dự án 636 Varshavyanka), chuyên gia người Mỹ Peter Suchiu của tờ 19FortyFive nhận xét.

Vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, hạm đội tàu ngầm của Hải quân Liên Xô có số lượng lên tới 480 chiếc và được coi là một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới.

Ngày nay, Hải quân Nga mặc dù không thể tự hào về số lượng tàu ngầm lớn như cũ, nhưng họ vẫn tiếp tục là thế lực cực kỳ đáng gờm. Theo nhà báo Peter Suchiu, một trong những tàu ngầm Nga bị Quân đội Mỹ ghét và lo sợ nhất là lớp Kilo.

“Lớp Kilo không đại diện cho một lớp tàu ngầm thế hệ mới, bên cạnh đó chúng không được trang bị lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên Hải quân Mỹ ghét khả năng tàng hình của phương tiện chiến đấu này”, ông Peter Suchiu lưu ý.

Tác giả của bài viết trên tờ 19FortyFive nhận định rằng các tàu ngầm lớp Halibut, cũng như phiên bản cải tiến Varshavyanka hiện vẫn giữ vai trò thành phần quan trọng nhất của lực lượng tàu ngầm Nga.

Chúng được thiết kế để chống lại tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, đồng thời lớp chiến hạm này cũng có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra cũng như tấn công mục tiêu mặt đất.

Đây là những tàu ngầm thực sự tốt, và điều rất tệ đối với Mỹ đó là Liên bang Nga không chỉ đóng chúng cho nhu cầu của mình mà còn cung cấp cho khách hàng nước ngoài. Một số tàu đã được bán sang Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Algeria.

Quân đội Mỹ không thích đối phó với tàu ngầm lớp Kilo và theo chuyên gia Peter Suciu, họ gọi chúng là "lỗ đen" bởi đặc tính tàng hình cực kỳ ưu việt. Điều này đặc biệt đúng với các tàu ngầm Dự án 636.3 Varshavyanka nâng cấp.

Đây là phương tiện chiến đấu thuộc thế hệ thứ ba của lớp tàu ngầm diesel-điện cỡ lớn này. Chúng được thiết kế để hoạt động ở các vùng nước nông ven biển và thực hiện nhiệm vụ chống tàu ngầm và tàu mặt nước.

“Dự án 636.3 được phân biệt bởi hiệu quả chiến đấu cao hơn so với những người tiền nhiệm. Điều này là do sự kết hợp giữa khả năng tàng hình trước thiết bị định vị thủy âm (sonar) của đối phương".

"Yếu tố đáng sợ nữa đó là phạm vi phát hiện mục tiêu, cũng như sự hiện diện của thiết bị dẫn đường quán tính mới nhất, hệ thống điều khiển tự động cải tiến, đi kèm ngư lôi và tên lửa cực mạnh”, nhà phân tích của ấn phẩm Mỹ nhận định.

Các tàu ngầm thuộc dự án 636.3 có chiều dài 74 mét, lượng giãn nước hơn 3.900 tấn, nhờ kết cấu chắc chắn, chúng có thể lặn xuống độ sâu 300 mét và được coi là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất trên thế giới, vì đặc điểm này mà chúng bị Hải quân Mỹ ghét bỏ.

Chuyên gia Peter Suchiu kết luận: “Tàu ngầm Hố đen của Nga được thiết kế để cho phép Hải quân Nga vượt trội hơn so với Hải quân Mỹ".

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là lớp Kilo đã lạc hậu khi chúng không có động cơ đẩy độc lập với không khí (động cơ AIP), chính vì vậy Hải quân Nga đang lên kế hoạch thay thế bằng lớp Lada và Kalina trong tương lai.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-my-dac-biet-lo-ngai-ho-den-dai-duong-cua-hai-quan-nga-post503245.antd