Vì sao Mỹ cũng sợ… thuốc lá điện tử?

Khi có ý kiến từ một số doanh nghiệp, thương hiệu thuốc lá điện tử đề nghị thí điểm bán các sản phẩm này tại Việt Nam, các chuyên gia tại Việt Nam cho rằng, nếu Chính phủ cho thí điểm thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Bởi lẽ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa thể nhận thức đầy đủ về mọi tác hại của loại thuốc lá này.

Ẩn chứa nhiều nguy cơ

Tại Mỹ, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa rõ liệu các chất hóa học có trong thuốc lá điện tử nguy hiểm đến mức độ nào. Tuy nhiên, FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã và đang thu thập các tài liệu, nghiên cứu, thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe cũng như các mẫu thiết kế khác nhau của các thiết bị đốt nóng, cho đến tháng 6/2020, nhằm tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật về việc lưu hành sản phẩm này trên thị trường.

Điều này nhằm đảm bảo quyền tự do buôn bán của người dân với những mặt hàng mà pháp luật không cấm nhưng đối với những sản phẩm chất kích thích có thể gây nghiện, gây hại cho người dùng và cộng đồng đều phải đi kèm theo những quy định pháp luật nghiêm ngặt dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và kiểm định trên thực tế.

Được biết, các thiết bị dùng để hút thuốc lá điện tử ở Mỹ bao gồm rất nhiều loại khác nhau như “vapes”, “vaporizers”, “vape pens”, “hookah pens”, “electronic cigarettes”, “e-pipes”, vời nhiều thuật ngữ khác nhưng cùng mô tả Hệ thống phân phối nicotine điện tử (ENDS) hay “thuốc lá không đốt”. Những thiết bị ENDS có thể giống hoặc không giống điếu thuốc lá truyền thống nhưng đều có chung nguyên lý hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan (dung dịch điện tử), tạo ra sol khí cho người dùng hít vào, khi sử dụng khói thuốc sẽ được nhả ra dưới dạng hơi nước.

 Các thiết bị dùng để hút thuốc lá điện tử rất đa dạng (Ảnh: FDA)

Các thiết bị dùng để hút thuốc lá điện tử rất đa dạng (Ảnh: FDA)

Theo nghiên cứu tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard mới đây thì 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl - một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các hạt nhỏ và kim loại người ta tìm thấy các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, catmi, chì và thủy ngân... Thuốc lá truyền thống cũng có chứa các hạt bụi nhỏ này và đã có trường hợp có thể gây hại cho người hút gây ra các tổn thương mạch máu, viêm, các hiệu ứng thần kinh... Mật độ các hạt bụi trong thuốc lá điện tử là tương tự như thuốc lá thật nhưng cho tới nay, chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức độ an toàn/nguy hiểm của việc hút các hạt bụi do thuốc lá điện tử tạo ra.

Diethylene Glycol - một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông. Ngoài ra khi làm nóng tinh dầu và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần tạo nên bệnh tim mạch ở những người hút thuốc… Một số loại thuốc lá điện tử còn chứa nicotine – chất gây nghiện được đưa vào thuốc lá điện tử nhằm tạo ra sự sảng khoái, hưng phấn, khiến cho việc sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài có thể gây nghiện cho người sử dụng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong thuốc lá điện tử và trong khói thuốc lá điện tử có chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines – các chất gây ung thư. Như vậy, nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra có thể cao hơn rất nhiều hoặc ít nhất ngang bằng so với thuốc lá điếu. Người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…

Mỹ kiểm soát thuốc lá điện tử

Cả FDA và CDC đã và đang nghiên cứu, xử lý thông tin từ các trường hợp bị các bệnh hô hấp nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, nhằm đưa ra những khuyến nghị, khuyến cáo về việc lưu hành và sử dụng loại sản phẩm này.

Nhiều số liệu thống kê cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến ở Mỹ trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2019 ghi nhận khoảng hơn 5 triệu người dùng là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; gần 1 triệu người trong số đó sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày. Theo một khảo sát khác vào năm 2013-2014, 81% người dùng thuốc lá điện tử pha trộn nhiều loại hương liệu, chất kích thích với nhau nhằm tạo ra hương vị hấp dẫn hơn.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong lớn nhất ở Hoa Kỳ. Do đó năm 2009 FDA đã quy định về quản lý các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá không khói và thuốc lá tự chế. Đến năm 2016, FDA đã mở rộng phạm vi áp dụng của những quy định này đối với cả thuốc lá điện tử, gọi chung là ENDS.

Theo đó, quá trình sản xuất, nhập khẩu, đóng gói, dán nhãn, quảng cáo, khuyến mại, bán và phân phối ENDS đều phải tuân thủ các yêu cầu cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, những quy định pháp luật này chỉ áp dụng với những thành phần và bộ phận của các thiết bị ENDS như dung dịch điện tử, pin, phần mềm lập trình, bộ phận gia nhiệt, làm nóng, dẫn khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử… không áp dụng với các phụ kiện đi kèm. Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều phải có cảnh báo về tác hại của nicotine trên bao bì sản phẩm và trong quảng cáo. FDA cung cấp những đường dây nóng và các tài nguyên giáo dục trực tuyến để giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này tuân thủ đúng pháp luật.

Những thành phần và bộ phận của các thiết bị ENDS

Vào tháng 1/2020, FDA đã ban hành một chính sách kiểm soát về hương liệu và ngay lập tức đẩy mạnh áp dụng, theo đó cấm một số loại hương vị sử dụng trong thuốc lá điện tử, bao gồm cả hương vị trái cây và bạc hà, do có tác dụng thu hút, gây nghiện đối với trẻ em.

Ngày 20/12/2019, Tổng thống Mỹ đã phê duyệt Luật sửa đổi, bổ sung Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang (Đạo luật FD & C), theo đó tăng độ tuổi mua bán các sản phẩm thuốc lá từ 18 tuổi lên 21 tuổi. Như vậy, mọi nhà bán lẻ đều không được bán các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả xì gà và thuốc lá điện tử cho bất kỳ ai dưới 21 tuổi. Hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài nghiêm minh của pháp luật. Các tiểu bang quy định cụ thể Đạo luật này trong phạm vi khu vực mình quản lý.

Đối với các cửa hàng tự pha chế chất lỏng điện tử hay thuốc lá điện tử, họ được xếp vào nhóm nhà sản xuất và phải tuân thủ các quy tắc như đối với các nhà sản xuất. Trong nhiều trường hợp, các cửa hàng này có thể có nghĩa vụ pháp lý với tư cách là nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Các sản phẩm thuốc lá được nhập khẩu hoặc các thành tố, thành phần nhập khẩu phục vụ mục đích sản xuất thuốc lá hay thuốc lá điện tử đều được kiểm soát nghiêm ngặt và hướng dẫn cụ thể trong Đạo luật này.

Các nhà làm luật và chuyên gia Mỹ khẳng định điều khó nhất trong việc kiểm soát thuốc lá điện tử là người ta gần như không thể kiểm soát toàn bộ những thứ bên trong tinh dầu thuốc lá điện tử khi chúng được pha trộn nhiều loại với nhau.

Do đó, các cơ quan chức năng khuyến khích người dân thường xuyên gửi phản hồi về tình hình thực tế của việc sản xuất, lưu hành và sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử để những nhà chuyên môn, nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu, phân tích, dự đoán những tác hại tiềm ẩn và có hành động kịp thời. Người dân có thể phản ánh, tố cáo các sản phẩm thuốc lá trái quy định, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, trực tiếp với FDA. Ví dụ, người dùng mắc bệnh do sử dụng một sản phẩm thuốc lá nào đó, thấy hành vi bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên….

Còn tại Việt Nam, nếu thí điểm thuốc lá điện tử sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ khôn lường, đặc biệt với đối tượng giới trẻ và trẻ vị thành niên.

Đỗ Trang / Phap luật bốn phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/vi-sao-my-cung-so-thuoc-la-dien-tu-521798.html