Vì sao mua iPhone quốc tế, dùng 1 tháng trở thành máy lock tại VN

Những chiếc iPhone này có thể được mở khóa tạm thời hoặc dùng code lậu để trở thành hàng quốc tế.

Tuần trước, một người dùng tại Hà Nội cho biết chiếc iPhone XS Max hàng xách tay (mã LL/A) quốc tế nguyên seal mua trước đó bất ngờ trở thành máy khóa mạng sau một tháng sử dụng. Trên thực tế, tình trạng những chiếc iPhone quốc tế bị khóa SIM và trở thành máy lock sau một thời gian sử dụng không phải mới.

Cuối năm 2016, hàng loạt iPhone quốc tế xách tay gặp phải tình trạng này khiến không ít người dùng hoang mang. Thời điểm đó, một số nguồn tin cho rằng hệ thống Apple gặp lỗi khi kích hoạt iPhone. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục bởi chỉ có các máy đến từ một số quốc gia nhất định gặp tình trạng trên.

Theo chia sẻ từ một số chủ cửa hàng, có 2 nguyên nhân chính khiến những chiếc iPhone quốc tế bị relock. Đầu tiên, đây vốn dĩ là những chiếc máy khóa mạng (còn nợ cước hoặc bị báo mất), sau đó được các đầu nậu sử dụng code lậu để mở khóa thành hàng quốc tế.

Chiếc iPhone XS Max hàng quốc tế bị relock sau một tháng sử dụng. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chiếc iPhone XS Max hàng quốc tế bị relock sau một tháng sử dụng. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Chúng sẽ bị khóa lại khi Apple phát hiện ra code lậu. Tuy nhiên, thời điểm khóa máy cũng sẽ rất ngẫu nhiên, không thể biết trước", ông Hoàng Giang - chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone xách tay lâu năm tại Cầu Giấy, Hà Nội - giải thích.

Ông Giang cho biết đôi lúc cửa hàng cũng nhập phải những chiếc máy loại này. "Máy bán cho khách hàng sử dụng được vài tháng thì bị khóa SIM. Cửa hàng buộc phải thu hồi sản phẩm và đền bù cho khách. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến uy tín và tình hình kinh doanh của hệ thống", ông Giang nói.

Ông cũng chia sẻ thêm một trong những cách để hạn chế rủi ro bị relock là chọn những chiếc iPhone được bán ra trực tiếp từ Apple Store, thay vì máy mua thông qua nhà mạng (hoặc các đơn vị bán lẻ).

Hiện tại, cách duy nhất để phát hiện loại máy này là kiểm tra thông tin qua số IMEI của thiết bị. Tuy nhiên, Apple hiện không còn hỗ trợ kiểm tra những thông tin này trên trang web của hãng. Người dùng chỉ còn cách tìm đến các dịch vụ của bên thứ ba như iUnlocker hay IMEIPro.

Người dùng có thể kiểm tra nguồn gốc của máy thông qua số IMEI để hạn chế rủi ro bị relock.

Trường hợp thứ 2, chiếc iPhone của người dùng chỉ được mở khóa tạm thời. Theo đó, các đầu nậu sẽ sử dụng tài khoản GSX dành cho nhân viên, đối tác của Apple dùng cho các chuyến công tác ngắn ngày để kích hoạt máy. Hết thời hạn, những chiếc máy này sẽ tự động bị khóa lại. Người dùng cần kiểm tra tình trạng GSX của máy thông qua các dịch vụ bên thứ ba để xác định nguồn gốc thiết bị.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của những dịch vụ này là người dùng sẽ mất một khoản phí khoảng 2-5 USD cho mỗi lần kiểm tra. Ngoài ra, do đây đều là các dịch vụ của bên thứ ba, khó đảm bảo tính chính xác và độ bảo mật về thông tin thiết bị. Chúng có thể bị sử dụng để khóa iCloud từ xa giống như nhiều trường hợp gần đây.

"Máy iPhone quốc tế, nguyên seal chưa kích hoạt chưa chắc đã an toàn. Ngay cả việc khôi phục cài đặt gốc nhiều lần vẫn khó có thể xác định được những loại hàng này. Người dùng cần yêu cầu cửa hàng bảo hành relock trọn đời máy", ông Vũ Duy, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone xách tay tại Cầu Giấy, Hà Nội nói.

Thế Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-mua-iphone-quoc-te-dung-1-thang-tro-thanh-may-lock-tai-vn-post1017214.html