Vì sao mưa bão nhưng đường sá Nhật Bản vẫn sạch sẽ, ít rác thải?

Ý thức của mỗi người dân Nhật Bản, từ người lớn đến trẻ nhỏ, chính là mấu chốt quan trọng để quốc gia này luôn sạch bong.

Siêu bão Hagibis (Nhật Bản gọi là bão số 19) đã càn quét một khu vực rộng lớn thuộc miền Trung nước Nhật hôm 12/10, làm nhà sập, cây đổ và ngập lụt tại nhiều nơi.

Những con tàu Shinkansen chìm trong nước, nhiều ngôi nhà nước cao tới tầng 2, giao thông gián đoạn, sinh hoạt đình trệ,... nhưng các bức ảnh chụp nước Nhật trong tâm bão lại cho thấy rõ hơn về việc đất nước này sạch sẽ như thế nào.

Đường phố ngập trong nước vì mưa bão nhưng có rất ít rác thải xuất hiện. Ảnh: AFP.

Đường phố ngập trong nước vì mưa bão nhưng có rất ít rác thải xuất hiện. Ảnh: AFP.

Thương hiệu quốc gia

Học sinh ngồi ngay ngắn trong lớp học, háo hức đợi chờ tiếng chuông reo để trở về nhà sau một ngày học 7 tiết dài đằng đẵng. Tất cả kiên nhẫn lắng nghe lời dặn dò của giáo viên chủ nhiệm.

Như mọi ngày, lời nhắc nhở cuối cùng của giáo viên là: “Tất cả các em đứng lên để trực nhật nào. Tổ đầu tiên và thứ hai làm sạch lớp học, tổ thứ ba và thứ tư dọn sạch cầu thang và tổ cuối cùng dọn dẹp nhà vệ sinh”.

Lập tức, học sinh đứng dậy, lấy chổi, cây lau nhà và xô từ tủ ở phía sau lớp học, tiến hành công việc trực nhật đã được phân công.

Theo BBC, cảnh tượng này diễn ra tại các trường học trên cả nước.

Bên cạnh đó, phần lớn các du khách lần đầu ghé thăm Nhật Bản đều ấn tượng mạnh bởi sự sạch sẽ của đất nước này.

Ngạc nhiên hơn cả, quốc gia này có rất ít thùng rác và lao công đường phố. Khi rời Nhật Bản, họ vẫn đem theo sự thắc mắc về nhà: làm thế nào để Nhật Bản sạch sẽ như vậy?

Dọn dẹp là hoạt động quen thuộc của người Nhật. Ảnh: Japan Today.

Maiko Awane, trợ lý giám đốc văn phòng chính quyền tỉnh Hiroshima, thành phố Tokyo cho biết, trong 12 năm học tập ở trường, thời gian dọn dẹp là một phần không thể thiếu.

“Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, cha mẹ luôn dạy chúng tôi rằng cần phải giữ cho không gian sống sạch sẽ”, cô chia sẻ.

Chương trình giảng dạy của các trường học Nhật Bản đã giúp trẻ em nước này phát triển nhận thức và tự hào về môi trường xung quanh.

Các em phải dọn dẹp từ phòng học, hành lang đến nhà vệ sinh. Hoạt động hàng ngày này diễn ra không chỉ một vài mà hầu hết tất cả các trường học tại xứ sở hoa anh đào.

“Đôi lúc tôi cũng không muốn dọn dẹp trường học đâu”, anh Chika Hayashi, một dịch giả tự do nhớ lại thời học sinh, “nhưng tôi chấp nhận vì đó là một phần thiết yếu trong cuộc sống”.

“Hơn nữa, tôi nghĩ rằng dọn dẹp trường học là một điều cần thiết, bởi vì nó dạy chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ mọi thứ”, anh nói thêm.

Trực nhật là hoạt động quen thuộc của các học sinh. Ảnh: Straits Times.

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân Nhật Bản đều có nhận thức cao về môi trường xung quanh.

Ví dụ, khoảng 8 giờ sáng hàng ngày, dù là nhân viên văn phòng hay nhân viên cửa hàng đều dọn dẹp đường phố, khu vực xung quanh nơi họ làm việc. Trẻ em tình nguyện nhặt rác từ các đường phố gần trường học. Các khu phố cũng tổ chức các sự kiện tổng vệ sinh đường phố thường xuyên.

Ngay cả tiền giấy khi rút từ ATM tại đây cũng trông như mới. Người Nhật không bao giờ đặt tiền trực tiếp vào tay ai đó. Trong các cửa hàng, khách sạn và thậm chí trong taxi, luôn có một khay nhỏ để đặt tiền và khách hàng sẽ lấy từ đó.

Sự cực kỳ sạch sẽ của Nhật Bản còn rất nổi tiếng trên thế giới, ví dụ như nghi thức làm sạch tàu Shinkansen kéo dài bảy phút đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

Khi người Nhật Bản bị cảm lạnh hoặc cúm, họ đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác. Hành động đơn giản này giúp giảm sự lây lan của vi-rút, tiết kiệm một khoản tiền lớn cho chi phí y tế.

Ngay cả những người ủng hộ bóng đá Nhật Bản cũng có ý thức gìn giữ sạch sẽ. Trong các trận đấu giải bóng đá World Cup ở Brazil (2014) và Nga (2018), người hâm mộ đội tuyển đến từ xứ sở hoa anh đào đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi ở lại sau trận đấu để nhặt rác sân vận động. Các cầu thủ Nhật Bản cũng rời phòng thay đồ trong tình trạng sạch bong.

“Đây thật là một tấm gương mà các đội chơi khác cần phải học hỏi”, điều phối viên FIFA Priscilla Janssens chia sẻ trên Twitter.

Cổ động viên Nhật dọn dẹp rác ở khán đài sau trận thua ở vòng 1/8 với Bỉ ở World Cup 2018. Ảnh: Standard.

Cảnh tương tự cũng diễn ra tại các lễ hội âm nhạc Nhật Bản. Tại lễ hội Fuji Rock - lễ hội âm nhạc lớn nhất và lâu đời nhất tại quốc gia này, người hâm mộ giữ rác trong người cho đến khi họ tìm thấy thùng rác. Đồng thời, những người hút thuốc phải mang theo gạt tàn di động và chỉ được hút thuốc đúng nơi quy định.

“Người Nhật Bản chúng tôi rất nhạy cảm về danh tiếng của mình trong mắt người khác”, cô Awane nói, “Chúng tôi không muốn người khác nghĩ rằng chúng tôi là những người xấu, là những người không có giáo dục hoặc lười nhác dọn dẹp”.

Sự sạch sẽ này xuất phát từ khi nào?

Có thể nói Nhật Bản gìn giữ sự sạch sẽ từ rất lâu rồi.

Dựa theo những ghi chép của William Adams - người Anh đầu tiên đặt chân lên quốc gia này vào năm 1600 cũng như các ghi chép của những đoàn thám hiểm đến từ Châu Âu, trong khi đường xá Anh Quốc lúc bấy giờ “ngập trong phân” thì tại Nhật Bản, “cống rãnh nguyên sơ nhưng sạch sẽ, nhà tắm hơi luôn thơm mùi gỗ”.

Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng xuất phát từ thực tế. Khí hậu nóng ẩm của Nhật Bản khiến đồ ăn ôi thiu nhanh chóng, nhiều ruồi bọ xuất hiện, vi khuẩn lây lan nhanh. Vì vậy giữ không gian sinh sống sạch thì sức khỏe người dân mới được đảm bảo.

Mặt khác, sự sạch sẽ là một phần quan trọng trong Phật giáo tại Nhật Bản. Ngay từ thế kỷ 12, hoạt động thường nhật như lau chùi, quét tước, nấu ăn được coi là những bài tập tâm linh không khác gì thiền định.

Nghi thức làm sạch tàu Shinkansen kéo dài bảy phút nổi tiếng với khách du lịch. Ảnh: Japan Today.

“Trong thiền học, tất cả các hoạt động thường nhật, kể cả ăn uống hay dọn dẹp không gian xung quanh đều được coi là cơ hội tốt để thực hành. Gột sạch bụi bẩn cả về thể xác lẫn tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng”, ngài Eriko Kuwagaki của chùa Shinshoji ở Fukuyama, tỉnh Hiroshima cho biết.

Cuốn The Book Of Tea của tác giả Okakura Kakuro - một cuốn sách kinh điển về triết lý thiền định và trà đạo, đã viết về căn phòng tổ chức nghi lễ thưởng trà như sau:

“Tất cả mọi thứ đều phải hoàn toàn sạch sẽ. Không có một hạt bụi nào được phép có mặt ở đây, kể cả trong góc tối nhất. Nếu phát hiện ra, thì người chủ buổi trà đạo được xem như là thất bại”.

Những dòng đó được ông Okakura viết vào năm 1906 nhưng vẫn là chân lý cho tới nay.

Nếu có dịp thưởng thức trà đạo tại quán trà Seifukan của thành phố Hiroshima, dễ dàng thấy trợ lý của người chủ buổi trà mặc kimono dán băng dính nâu trên đầu gối và bàn tay nhằm dính từng hạt bụi một trên chiếc chiếu tatami.

Người Nhật bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ và việc giữ vệ sinh môi trường sống. Ảnh: The Wall Street Journal.

Thần đạo vẫn gắn bó với nhiều hoạt động đời sống của người dân Nhật Bản. Nhiều người mang chiếc xe hơi mới mua đến đền thờ để được linh mục thanh tẩy.

Linh mục vẫy onasu - một cây đũa phép giống như khăn lau bụi. Ngoài xe hơi ra, nghi thức thanh tẩy còn được sử dụng cho tòa nhà mới xây dựng.

Nếu chuyển tới Nhật Bản sinh sống, bạn sẽ sớm tiếp nhận lối sống sạch sẽ thú vị này.

Bạn sẽ dừng xì mũi nơi công cộng, chăm chỉ sử dụng nước rửa tay dành cho khách hàng tại các cửa hàng và văn phòng. Đặc biệt, bạn sẽ học được cách phân loại rác lên đến 10 loại để tái chế tại Nhật Bản.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-mua-bao-nhung-duong-sa-nhat-ban-van-sach-se-it-rac-thai-post1000883.html