Vì sao một số tử tù được hoãn thi hành án tử hình?

Thời gian qua, một số bị cáo trong các vụ án hình sự đã được hoãn thi hành án do khai nhận một số tình tiết mới ngay trước thời điểm án được thi hành. Điều này cho thấy sự thận trọng, khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng và sự tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền của người bị buộc tội của pháp luật hình sự hiện hành…

Tử tù Vi Bế Ngoạt đã được hoãn án tử hình vì khai báo thêm về vụ án khác

Cách đây ít ngày, khi Hội đồng thi hành án tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Vi Bế Ngoạt (SN 1975 ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) thì tử tù này đột nhiên khai báo về 1 vụ án giết người khác nên cơ quan chức năng đã hoãn thi hành án tử hình.

Hoãn thi hành án vì khai ra vụ án khác

Đây là đối tượng từng sát hại 2 người với hành vi dã man, mất hết nhân tính. Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2013, khi phụ vợ đẩy xe chở cà phê đi bán rồi trở về nhà, Ngoạt phát hiện có 1 con ngan đi trong sân nhà hàng xóm nên nảy sinh ý định bắt về làm mồi uống rượu. Cháu Hà Cao N (SN 2003) phát hiện việc này và nói sẽ về báo cho người nhà biết nên Ngoạt đã cầm búa chim lao theo, chém tới tấp vào đầu cháu N khiến cháu bé tử vong tại chỗ.

Lúc đó, cháu Hà Phú Q (SN 2000, anh trai của N) bị thiểu năng trí tuệ, đứng gần đó ú ớ kêu lên cũng bị Ngoạt sát hại. Giữa năm 2014, Ngoạt bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án tử hình về tội “giết người”. Ngày 9-8-2017, Hội đồng thi hành án tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thi hành án đối với Vi Bế Ngoạt bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Tuy vậy, trước khi thi hành án, Ngoạt đã khai báo về 1 vụ án giết người khác xảy ra tại địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk vào năm 1999. Nhận thấy lời khai có căn cứ nên Hội đồng thi hành án đã lập biên bản sự việc, ghi nhận tình tiết này, đồng thời ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Vi Bế Ngoạt, báo cáo nội dung liên quan tới cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh, điều tra.

Trước đó, tại TP Bạc Liêu, chỉ vì muốn có tiền trả nợ, Trần Ngọc Minh (ở phường 5, TP Bạc Liêu) đã nảy sinh ý định giết Trần Thiện Thanh - bạn học cũ. Do vậy, Minh đã rủ Thanh đi hát karaoke, sau đó nhờ Thanh chở vào khu vực vắng người rồi bất ngờ rút dao đâm liên tiếp làm nạn nhân gục tại chỗ. Lấy được ví tiền, hung thủ nhặt bao nilon ở bãi rác gần đó trùm đầu nạn nhân rồi đi mua xăng quay lại đốt xác. Đối tượng này đã bị TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Sau đó Hội đồng thi hành án tử hình đối với phạm nhân này được thành lập.

Tuy vậy, khi quyết định thi hành án được triển khai thì gia đình Minh có đơn gửi TAND tỉnh Bạc Liêu và Viện KSND cùng cấp đề nghị điều tra lại toàn bộ vụ án. Đồng thời, Minh cũng có đơn “tố giác tội phạm”, cho rằng anh trai bạn gái của mình là đồng phạm chủ mưu nên việc thi hành án được hoãn lại chờ kết quả xác minh.

Trường hợp nào được hoãn thi hành án tử hình?

Liên quan đến những vụ việc nêu trên, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, theo Điều 58 Luật Thi hành án hình sự, những trường hợp hoãn thi hành án tử hình bao gồm: Người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự; Có lý do bất khả kháng; Ngay trước khi thi hành án, người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm.

Điều 10 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC cũng quy định khá cụ thể về các trường hợp được hoãn thi hành án: Có thông tin do người bị kết án hoặc người khác khai báo, hoặc do Hội đồng thi hành án tử hình biết được từ những nguồn tin khác mà xét thấy những thông tin này là có căn cứ và có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án hoặc là chứng cứ để khởi tố vụ án mới, người phạm tội mới và nếu thi hành hình phạt tử hình đối với họ thì có thể gây khó khăn lớn cho việc giải quyết vụ án, việc mở rộng điều tra vụ án; Hội đồng thi hành án tử hình nhận được yêu cầu của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc hoãn thi hành án tử hình…

Trường hợp bị can, bị cáo khai báo ra một tội phạm khác, một vụ án khác mà cơ quan tố tụng chưa biết hoặc khai báo ra đồng phạm ở cùng vụ án trong quá trình giải quyết vụ án được xác định là tình tiết “lập công chuộc tội” theo Điều 46-BLHS. Do đó, khi xem xét và quyết định hình phạt đối với người phạm tội, HĐXX sẽ áp dụng tình tiết này. Bởi đó không chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mà còn để người phạm tội và xã hội thấy được chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn và công bằng đối với người phạm tội của Đảng và Nhà nước ta.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, quy định về quyền của bị cáo ngày càng được mở rộng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong pháp luật hình sự nước ta. Ngoài những quyền đã được ghi nhận trong Bộ luật TTHS năm 2003, Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung thêm một số quyền như: Quyền được “trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”; Quyền được “Trình bày lời khai; Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”…

Những quy định mới này đòi hỏi mọi hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải được đảm bảo thực hiện khách quan, đúng pháp luật quy định, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với người bị buộc tội đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Không phải cứ khai thêm là được hoãn thi hành

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, một thẩm phán Hình sự của TAND TP Hà Nội nhìn nhận, đối với trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật và trước lúc người phạm tội thi hành án tử hình đã khai ra một tội phạm khác, một vụ án khác hoặc khai ra những tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án thì trước hết Hội đồng thi hành án sẽ phải tạm dừng việc thi hành án đối với phạm nhân đó. Tiếp đến, lời khai mới của người phải thi hành án sẽ được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, cụ thể.

Trường hợp nếu người phải thi hành án tử hình khai báo thêm đồng phạm trong cùng vụ án thì có thể sẽ phải hủy toàn bộ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu hoặc những nội dung khai báo mới của người phải chấp hành án tử hình sẽ được tách rút hồ sơ, điều tra và xử lý sau. Còn nếu người phải thi hành án tử hình khai báo ra một tội phạm mới mà không liên quan gì tới vụ án phải chấp hành thì người đó có thể sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46-BLHS.

Về thủ tục, vụ án đối với người phải chấp hành án tử hình sẽ được mở theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và thẩm quyền là thuộc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khai báo ra tội phạm mới hoặc khai báo ra đồng phạm cũng được ân giảm từ án tử hình xuống thấp hơn.

Bởi nếu hành vi cũng như hậu quả trong vụ án mà người phải đang chuẩn bị phải chấp hành án tử hình là đặc biệt nghiêm trọng và bản thân người phạm tội đó không còn khả năng giáo dục, cải tạo thì cho dù có áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ nêu trên cũng vẫn bị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/vi-sao-mot-so-tu-tu-duoc-hoan-thi-hanh-an-tu-hinh/738158.antd