Vì sao metro Bến Thành - Suối Tiên mắc nhiều sai sót?

Khi Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương đồng ý chủ trương tăng tổng mức đầu tư thì nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực nhưng TP.HCM không điều chỉnh thẩm quyền, làm dự án mắc hàng loạt sai phạm.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chỉ ra nhiều thiếu sót, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật. Đặc biệt là với dự án trên 35.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội (QH) xem xét, thẩm quyền quyết định là của Thủ tướng nhưng TP.HCM đã “vượt quyền” phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư đến 47.000 tỉ đồng. Trong đó có ông Hoàng Như Cương, Phó Ban quản lý Đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP.HCM, cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư sai.

Do đâu có sự “vượt quyền” và thiếu sót này?

Quốc hội, Chính phủ và TP.HCM đang tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án metro số 1. Ảnh: Đ.TRỌNG

Quốc hội, Chính phủ và TP.HCM đang tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án metro số 1. Ảnh: Đ.TRỌNG

Lúc đầu hoàn toàn đúng thẩm quyền

Theo hồ sơ kiểm toán, ở thời điểm phê duyệt ban đầu, UBND TP.HCM đã lập, thẩm định và phê duyệt dự án tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 10-2007. Trong đó, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) theo Quyết định 1153/2007 của UBND TP.HCM là đúng, đủ các cơ sở.

Đến khi có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, biến động tỉ giá cùng các điều kiện khác nên TP.HCM có chủ trương điều chỉnh TMĐT cũng phù hợp với pháp luật và thực tiễn. Chủ trương này cũng đã được Thủ tướng cho phép bằng Thông báo 164/2009 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc “chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án và cho phép thực hiện công tác này sau khi các nhà thầu tham gia bỏ giá dự thầu”. Chủ trương điều chỉnh TMĐT còn nhận được sự đồng thuận của các bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính.

Đến năm 2011, bằng Quyết định 4480/2011, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh TMĐT dự án này. Tuy nhiên, lúc này thì Nghị quyết 49/2010/QH12 đã có hiệu lực, nội dung nhấn mạnh: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỉ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỉ đồng trở lên thì phải trình QH xem xét, quyết định và thẩm quyền quyết định đầu tư phải thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Vì luật điều chỉnh, trong khi các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh TMĐT đã được TP.HCM thực hiện nên đã xảy ra việc TP.HCM bị cho là “vượt quyền”.

Phó BQLĐSĐT quyết không đúng

Ngoài chuyện vượt thẩm quyền trên thì KTNN cũng chỉ ra có sai sót trong việc điều chỉnh TMĐT của dự án.

Theo KTNN, năm 2011, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án nhưng quyết định này lại chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Bởi tháng 5-2010, JICA chỉ mới xác nhận trong thư là sẽ tính đến việc bổ sung vốn cho dự án chứ chưa xác nhận việc cho vay nên quyết định là có sơ suất về thủ tục. Về đánh giá hiệu quả đầu tư, đến tháng 1-2012, tư vấn NJPT mới gửi BQLĐSĐT TP.HCM bản phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án, đồng nghĩa với báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư có sau quyết định phê duyệt.

Từ sai sót cơ bản của Quyết định 4480/2011 của UBND TP.HCM đã dẫn đến nhiều sai sót khác. Ví dụ: Vì thiếu báo cáo hiệu quả đầu tư và chưa rõ về nguồn vốn nên quyết định TMĐT đã điều chỉnh không đúng giá trị vốn lập, KTNN đã đề nghị giảm trừ tới hơn 30 triệu yen.

Ngay cả Sở KH&ĐT tại thời điểm đó được giao thẩm định dự án theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó cũng sai nốt vì khi dự án bị điều chỉnh theo Nghị quyết 49/2010 thì thẩm quyền này là của hội đồng thẩm định nhà nước.

Đơn vị này sử dụng kết quả thẩm tra TMĐT do Liên danh tư vấn CPG Consultant Pte & SMRT thực hiện để làm cơ sở điều chỉnh, trong khi liên danh này do JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) thuê là không đúng quy định (Nghị định 112/2009). Điều này cũng chưa đúng với khuyến nghị của Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT (Văn bản 5231/2010) là: Chủ đầu tư cân nhắc việc lựa chọn tư vấn độc lập, có đủ năng lực (không phải tư vấn do JICA thuê) để thẩm định lại về quy mô và tổng mức đầu tư của dự án sẽ đảm bảo tính khách quan hơn”.

Mặt khác, năm 2014, ông Hoàng Như Cương, Phó BQLĐSĐT TP.HCM, cũng tự phê duyệt điều chỉnh dự án. KTNN chỉ rõ: Với tư cách là phó BQLĐSĐT, ông Cương không đủ thẩm quyền để phê duyệt điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia.

Từ thẩm quyền phê duyệt và các sơ suất khác đã phát sinh nhiều hệ quả, vướng mắc khác. Hiện các cơ quan của QH, Chính phủ đang cùng TP.HCM tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ của dự án đặc biệt quan trọng này vì khi chậm tiến độ, vốn sẽ tiếp tục đội lên như kết luận mà KTNN chỉ ra.

Tiến độ chậm sẽ tiềm ẩn rủi ro

KTNN đánh giá rằng do khối lượng công việc của dự án mới hoàn thành khoảng 55% nên chưa có cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý dự án. Những tồn tại sẽ ảnh hưởng tới tính kinh tế của dự án. Trong đó, những sai sót, tồn tại “tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí”, việc chậm tiến độ tới bốn năm tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí trượt giá và yêu cầu bồi thường từ phía nhà thầu.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/vi-sao-metro-ben-thanh-suoi-tien-mac-nhieu-sai-sot-810391.html