Vì sao mặt bằng lãi suất thị trường xu hướng giảm?

Mặt bằng lãi suất thị trường năm 2019 có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 – 0,5%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.

Vì sao mặt bằng lãi suất thị trường xu hướng giảm ?. ảnh minh họa

Vì sao mặt bằng lãi suất thị trường xu hướng giảm ?. ảnh minh họa

Đó là thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020.

“NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường. Nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho TCTD. Sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm”, lãnh đạo NHNN cho biết lí do giúp mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm.

Theo lãnh đạo NHNN, năm 2019, chính sách tiền tệ phối hợp chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, linh hoạt, duy trì ổn định thị trường, tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 2,01% tạo dư địa thuận lợi để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Đến cuối năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng như cầu chi trả cho nền kinh tế.

Về điều hành lãi suất, NHNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường để triển khai tổng thể các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay chi phí hợp lý, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Từ ngày 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.

Về điều hành tín dụng, tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúnglộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%. Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăngkhoảng 15%.

Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, trong các Chỉ thị từ đầu năm, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó,tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/vi-sao-mat-bang-lai-suat-thi-truong-xu-huong-giam-1504246.tpo