Vì sao Malaysia cần cầu thủ nhập tịch dù bóng đá trẻ phát triển?

Tin vào cầu thủ nhập tịch là lựa chọn không tồi để tăng cường sức mạnh cho ĐTQG. Năng lực của nhóm cầu thủ này được đảm bảo, chi phí bỏ ra ít và có thể thu về lợi ích ngay lập tức.

Đầu tháng 2/2020, LĐBĐ Malaysia xác nhận Liridon Krasniqi trở thành công dân Malaysia. Đây là bước đi quan trọng trong việc đưa tiền vệ sinh ra tại Kosovo này trở hành cầu thủ nhập tịch tiếp theo của Malayia.

Trước Krasniqi, ĐT Malaysia có 8 cầu thủ từng được triệu tập là người nhập tịch. ĐT Malaysia tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á cũng ghi nhận 4 cầu thủ đá chính là người nhập tịch.

Con số cao nhất lịch sử này đến từ chương trình nhập tịch cầu thủ được Malaysia thông qua từ giữa năm 2018.

 Sumareh là cầu thủ nhập tịch thành công nhất của Malaysia. Ảnh: Kiệt Trần.

Sumareh là cầu thủ nhập tịch thành công nhất của Malaysia. Ảnh: Kiệt Trần.

Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi? Vì sao Malaysia cần nhiều cầu thủ nhập tịch đến vậy trong bối cảnh tuyến trẻ của quốc gia này đang dẫn đầu Đông Nam Á khi là ĐKVĐ của lứa U18 và U15. Thậm chí, đội Olympic Malaysia từng thắng cả Hàn Quốc tại ASIAD 2018.

Chẳng phải sự phát triển của bóng đá trẻ sẽ luôn đảm bảo sức mạnh cho ĐTQG?

Sự khốc liệt của đào tạo bóng đá trẻ Malaysia

Trang Siam Sport của Thái Lan từng đề cập tới công tác đào tạo trẻ của Malaysia với sự ngưỡng mộ. Malaysia chi 30 triệu USD để mở học viện Mokhtar Dahari đặt tại Pahang. Điểm nhấn của học viện này là 10 sân bóng được xây dựng liền kề, giúp cầu thủ trẻ có nhiều không gian nhất để luyện tập, cùng đó là các trang thiết bị luyện tập hiện đại.

Người điều hành học viện, HLV Lim Teong Kim, có đủ uy tín lẫn chuyên môn để giúp Malaysia vươn lên. Khi còn là cầu thủ, ông Lim từng thi đấu tại Bundesliga cho Hertha Berlin, thậm chí có 8 bàn cho đội bóng Đức ngày đó.

Ông Lim là tượng đài đào tạo trẻ của bóng đá Malaysia. Ảnh: Fox Sport.

Trong công tác huấn luyện, ông Lim có 12 năm làm việc cho đội U19 Bayern Munich và từng trực tiếp làm việc cũng như đưa Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Toni Kroos hay Thomas Mueller lên đỉnh cao.

Trên thực tế, mọi chuyện không được lung linh như thế. Ông Lim bị sa thải khỏi cương vị điều hành học viện vì không thể đưa đội U16 Malaysia giành quyền tham dự VCK World Cup U17 thế giới tại Peru vào năm 2021.

Tháng 10/2018, Bộ trưởng bộ thể thao và thanh niên Malaysia, Syed Saddiq, từng đích thân tới thăm học viện hoành tráng và nhấn mạnh sự thất vọng về cơ sở vật chất.

“Tôi đặc biệt thất vọng sau khi thấy những gì đang diễn ra, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Gây thất vọng hơn là đồ ăn không được đảm bảo. Nhiều cầu thủ phải nhịn đói vì thức ăn không được đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, việc thiếu bóng cũng ảnh hưởng đến quá trình luyện tập của các cầu thủ”, NST dẫn lời.

Ông Saddiq nhấn mạnh tham vọng của Malaysia không chỉ dừng lại ở cấp độ khu vực và bất kỳ thay đổi nào, dù khắc nghiệt đến đâu, cũng sẽ được tạo ra nếu như mọi thứ đi chệch mục tiêu ban đầu.

6 tháng sau chuyến thăm này, báo chí Malaysia đăng tải học viện Mokhtar Dahari giờ tiến bộ và đảm bảo “đủ bữa ăn” cho các học viên. Song cũng chính quãng thời gian này, ĐT Malaysia tiến hành nhập tịch cho nhiều cầu thủ (trước đó chỉ Mohamed Sumareh được đặc cách khi AFF Cup 2018 đến gần).

Ông Sadiq không ngần ngại thực hiện những nước đi mạnh tay để giúp bóng đá Malaysia đi đúng hướng, trong đó có nhập tịch cầu thủ. Ảnh: NST.

Chủ tịch LĐBĐ Malaysia, Datuk Amin, khi đó nhấn mạnh với The Star: “Chúng tôi sẽ không nghĩ tới cầu thủ nhập tịch nếu không thực sự cân nhắc kỹ lưỡng. Kế hoạch của chúng tôi dựa trên sự nghiên cứu thành công của Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha, những quốc gia hồi sinh nhờ nguồn lực nhập tịch”.

Quan điểm của Malaysia hiện lên rõ ràng sau hai sự kiện này: Cầu thủ nhập tịch là mới là thứ sẽ giúp ĐT Malaysia đạt được tham vọng lúc này, chứ không phải cầu thủ trẻ.

Rủi ro và lợi ích

Kế hoạch nhập tịch cầu thủ của Malaysia thực tế bắt đầu từ mạng xã hội. Theo NST, thành tích tệ hại của ĐT Malaysia vào giữa năm 2018 (đứng thứ 171 trên BXH FIFA) khiến nhiều kênh truyền thông của Malaysia nhận được khiếu nại từ CĐV.

“Nhìn vào chất lượng của các cầu thủ bây giờ đi. Chúng ta cần cầu thủ nhập tịch. Tâm lý của những cái tên bản địa lúc này chẳng khác gì cầu thủ bán chuyên”, NST trích một bình luận.

Các kênh truyền thông tại Malaysia sau đó tổ chức bình chọn nên hay không nên sử dụng cầu thủ nhập tịch. Phe nói có thắng áp đảo. LĐBĐ Malaysia ghi nhận kết quả này và đề xuất lên. Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Syed Saddiq tỏ ra nhiệt tình và thúc đẩy quá trình nhập tịch nhanh chóng.

Tiền vệ Liridon Krasniqi gốc Kosovo chính thức trở thành công dân Malaysia và có thể thi đấu cho đội tuyển quốc gia nước này sau khi các thủ tục được hoàn tất. Ảnh: FAM.

Những lò đào tạo như Mokhtar Dahari chỉ đảm bảo được khâu đào tạo. Song đầu ra là câu chuyện khác. Không phải cầu thủ trẻ nào cũng có thể phát triển đúng với kỳ vọng.

Thành viên cấp quản lý của một lò đào tạo có tiếng ở Việt Nam từng chia sẻ với Zing.vn về việc có nhiều cầu thủ trẻ cho thấy tiềm năng ở lứa tuổi như U9 hau U13 song sẽ chững lại ở lứa U15 vì dậy thì.

Các cầu thủ sẽ ham chơi, thể hiện bản thân, cái tôi từ đó chểnh mảng trong luyện tập. Đây cũng là vấn đề lớn trong công tác đào tạo trẻ không chỉ ở Malaysia mà còn trên toàn thế giới.

Có hàng nghìn đứa trẻ được đào tạo nhưng chỉ có rất ít thành công và nổi tiếng sau này. Ai cũng thấy Leo Messi, Xavi, Iniesta… trở nên vĩ đại với Barca, nhưng La Masia với cả trăm cầu thủ mỗi lứa chỉ cho ra vài người tiêu biểu chẳng phải là tỷ lệ quá ít và rủi ro hay sao?

Trong bối cảnh này, việc tin vào cầu thủ nhập tịch là lựa chọn không tồi để tăng cường sức mạnh cho ĐTQG. Năng lực của nhóm cầu thủ này được đảm bảo, chi phí bỏ ra ít và có thể thu về lợi ích ngay lập tức rất thích hợp với những mục tiêu ngắn hạn.

Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm của ĐT Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Malaysia sau khi có Sumareh, Brendan Gan, Corbin Ong đã mạnh lên trông thấy, thậm chí đánh bại cả Thái Lan, gây sóng gió cho UAE ở vòng loại World Cup 2022. Nếu cứ chờ cầu thủ trẻ trưởng thành, Malaysia sẽ còn tụt sâu hơn và thật khó để vươn dậy ở đáy vực khi quốc gia này vốn không có truyền thống bóng đá lâu đời.

Tại Đông Nam Á, ngoài Malaysia thì Thái Lan, Indonesia hay Philippines cũng đang nhập tịch ồ ạt cầu thủ. Tất cả đều muốn vươn mình ra khỏi khu vực Đông Nam Á và sẵn sàng làm mọi cách để gia tăng sức mạnh. Không ai muốn mình tụt lại.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-malaysia-can-cau-thu-nhap-tich-du-bong-da-tre-phat-trien-post1044343.html