Vì sao luôn nói về công việc trong cuộc trò chuyện
Bất kể là trong buổi tiệc, một cuộc hẹn hay giữa câu chuyện phiếm bên lề một trận bóng, câu hỏi về công việc cũng sẽ xuất hiện, thậm chí là câu bắt chuyện điển hình được ưa chuộng.
Chia sẻ về lý do khiến những thắc mắc liên quan tới công việc luôn phổ biến trong những cuộc gặp gỡ, Zac Boller, người lao động tại Mỹ, nói: “Việc hỏi ai đó đang làm nghề gì giống như nói về thời tiết vậy”.
Một số người coi nghề nghiệp như chiếc phao cứu sinh trong những cuộc hội thoại và tin rằng đó là chủ đề đủ thú vị để trao đổi. Một số khác thường đặt các câu hỏi về công việc vì cho rằng đó là chuyện nhỏ thích hợp cho những cuộc gặp không cần chia sẻ sâu.
Hoặc đơn giản nhiều người có thói quen nói về công việc là bởi nó luôn chiếm phần lớn thời gian trong ngày và trở thành một phần trong suy nghĩ của họ. Và vì thế, ngay cả khi không ở chỗ làm, công việc vẫn trở thành điều được ưu tiên nhắc đến, theo WSJ.
Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả cùng ngừng nói về việc làm của mình bên ngoài văn phòng?
Nghề nghiệp không định nghĩa con người
Jon Levy (sống tại Mỹ) đã tự mình tổ chức một buổi tiệc tối, yêu cầu tất cả khách mời không được phép nhắc về những gì họ đang làm trong vòng 90 phút.
Anh nhớ lại: “Tôi cảm thấy bầu không khí thật ngượng nghịu và thiếu tự nhiên. Khi bữa tối bắt đầu, nhiều vị khách tỏ ra bồn chồn, tránh việc dùng rượu và chỉ nói những câu chuyện vô nghĩa, chẳng hạn như cách đánh vần tên của từng người”.
Nhưng cuối cùng, cả nhóm lại trở nên gắn bó như những người bạn đã quen biết lâu ngày nhờ điểm chung là phải cùng nhau hoàn thành thử thách. Họ đã cùng nhau chuẩn bị bữa tối và cùng cố gắng để không bị sa đà vào kịch bản chỉ nói về công việc như trước.
“Trong nhiều cuộc hội thoại, việc nói về nghề nghiệp có thể khiến mọi người ngầm cạnh tranh nhau về địa vị. Bạn không cần phải tham gia vào trò chơi đó. Bỏ qua cái danh ở chỗ làm của mình, bạn vẫn có thể tự tin là chính mình”, Levy bày tỏ.
Trong thực tế, khó có thể tránh khỏi những câu hỏi liên quan đến công việc. Với trường hợp này, Levy chia sẻ rằng anh thường đưa ra những câu trả lời có tính hài hước để đáp lại. Điều này sẽ giúp cuộc trò chuyện đi theo một chủ đề khác, đánh lạc hướng người hỏi khỏi chủ đề tẻ nhạt đó.
Ashley J. Hobbs, người sản xuất nội dung số, cho biết cô đã từng bị bạn hẹn là chính trị gia bỏ lại tại một bữa tiệc sau khi nói về công việc của mình. Cô cho rằng chính công việc của mình đã trở thành điểm trừ trong mắt người bạn hẹn.
Chia sẻ thêm về câu chuyện, Hobbs khẳng định cô sẽ không bao giờ hành động giống người bạn kia, đánh giá một người qua công việc của họ.
Hobbs cũng nhận ra rằng tài khoản mạng xã hội mà trước kia cô chỉ dùng để lưu lại những khoảnh khắc cá nhân đáng nhớ giờ đã bị lấn át bởi những thứ liên quan đến công việc.
Chính phát hiện đó đã khiến cô quyết định xóa đi trang Twitter với hơn 5.000 người theo dõi cũng như những bài đăng đề cập đến sự nghiệp của mình khỏi các tài khoản mạng xã hội.
“Tôi cảm thấy thoải mái khi không phải làm Ashley- nhà sản xuất podcast mọi lúc từ online tới ngoài đời”, cô nói.
Mối nguy từ sự gắn bó
Đối với Kate Bernyk, người làm trong lĩnh vực truyền thông, câu hỏi về nghề nghiệp là điều đầu tiên cô nhắc đến khi gặp gỡ mọi người, bởi cô hy vọng nhận được câu hỏi tương tự. Công việc là niềm tự hào của Bernyk và cô tin rằng nó có thể gây ấn tượng với mọi người.
Cô cho biết: “Tôi thấy thật khó chịu khi câu hỏi về công việc bị làm ngơ và không ai nhắc tới nó. Chỉ khi được trả lời và nói về những gì mình đang làm tôi mới thấy nhẹ nhõm”.
Thế nhưng khi công việc không còn tốt đẹp nữa, Bernyk đã bỏ việc và thói quen trước đó cũng bị đảo lộn. Cô làm một công việc nhẹ nhàng với mức lương thấp hơn và bắt đầu có thời gian rảnh rỗi để trải nghiệm cuộc sống ngoài giờ làm. Từ đó, Bernyk bắt đầu với những chủ đề mới trong mỗi cuộc trò chuyện, chia sẻ về niềm vui và sở thích của mình.
Coi công việc như một giá trị của bản thân không phải điều xấu. Việc nói về chức danh có thể khơi dậy niềm tự hào, sự tự tin cũng như trở thành động lực để con người phát huy và phát triển.
Tuy nhiên, công việc không phải là mãi mãi. Nhiều nhân viên ở các công ty lớn như Facebook, Google đã gắn liền tên mình với công ty như một cách viết tắt của sự thành công. Thế nhưng chính họ lại đang hoặc sẽ phải đối mặt với việc bị đào thải hàng loạt.
Kể từ khi bị sa thải một cách đột ngột, Ed Baldwin (sống tại Mỹ) đã không còn giới thiệu bản thân cùng với chức danh và tên công ty mà chỉ tập trung nhắc tới lĩnh vực mình đang làm.
“Đừng ràng buộc bản thân vào những thứ vướng víu như cái mác hay danh hiệu. Mọi thứ từ cái uy của vị trí quản lý cấp cao đến một nhóm bạn bè thân thiết trong công việc đều có thể dễ dàng biến mất”, ông kết luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-luon-noi-ve-cong-viec-trong-cuoc-tro-chuyen-post1430426.html