Vì sao lễ phát ấn đền Trần vào nửa đêm không được khôi phục?

Quy mô ngày càng lớn, khó đam bảo an ninh trật tự là lý do chính khiến lễ phát ấn đền Trần vào nửa đêm không được khôi phục.

Thông tin này vừa được Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trịnh Thị Thủy cho biết tại hội nghị triển khai công tác quản lý lễ hội năm 2019.

Hình ảnh hỗn loạn, cướp lộc tại lễ khai ấn đền Trần năm 2016.

Theo đó, tại hội nghị ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần (Nam Định) cho biết, đã 6 năm nay đền chỉ phát ấn từ sáng, không phát vào nửa đêm nhằm hạn chế được tình trạng tranh giành, chen lấn.

Tuy nhiên, hiện nay các cụ già địa phương mong muốn khôi phục nghi lễ phát ấn vào nửa đêm cho đúng truyền thống.

Theo ông Bình, việc phát ấn buổi đêm đúng theo nghi lễ phát ấn cũ tạo sức ép rất lớn cho ban tổ chức bởi lượng khách tập trong quá đông trong khuôn viên đền vào một thời điểm vì họ coi đó là giờ thiêng. Ngoài ra, sự quá khích của nhiều khách như tranh cướp ấn, lộc hay trèo lên bàn thờ, rút bảo kiếm, đốt hương nghi ngút… đã tạo ra những hình ảnh hỗn loạn, không đẹp trong đêm phát ấn.

Trước mong muốn của các cụ già địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trịnh Thị Thủy cho rằng hiện nay chưa thể khôi phục lễ phát ấn vào nửa đêm vì khó đảm bảo an ninh trật tự.

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, ông Phạm Xuân Phúc - Phó chánh Thanh tra Bộ cho biết, khi đền Trần phát ấn vào nửa đêm thì năm nào cũng hỗn loạn, có người bị ngất, bị thương phải khiêng qua tường cấp cứu. Năm 2011 có 26 người bị thương do tranh cướp ấn.

Theo ông Phúc, đây là lễ hội truyền thống, nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều nên không thể phát ấn đền Trần vào nửa đêm được nữa.

Liên quan đến vấn đề "tranh cướp ấn" gây tranh cãi ở lễ hội đền Trần, PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển cho rằng, những năm gần đây, việc phát ấn ở đền Trần rõ ràng đang nghiêng về phương tiện thế tục, nghiêng về yếu tố thực dụng.

Theo ông Đức, việc tranh cướp ấn ở đền Trần chính là hành vi vô liêm sỉ. Những người vào được trong khu vực đó phải là đại biểu, những người có chức năng nhiệm vụ nhất định, người làm quan chức đáng ra phải là những người có văn hóa nhất của xã hội, những người phải có ý thức nhất vì được giáo dục lại đi tranh cướp với nhau thì chắc chắn là không có liêm sỉ.

Ông Đức cho rằng nhiều người cố gắng tranh cướp, mua bán, lấy được ấn đền Trần với hy vọng thăng quan tiến chức, nhận nhiều bổng lộc... Thế nhưng, nếu muốn được làm quan thì cần phải phấn đấu, phải rèn luyện về cả đạo đức và tài năng, về trình độ, phải được Đảng cử dân bầu. Làm quan mà tranh cướp, mua bán được thì không chỉ vô liêm sỉ mà đó còn là hành vi sai trái.

Trước đó, đầu năm 2017, nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng lên tiếng ủng hộ đề xuất bỏ phát ấn đền Trần vì cho rằng một lễ hội đang ngày càng ít mang tính giáo dục, nhân văn lại bộc lộ nhiều mặt trái như vậy thì không nên tồn tại.

PGS.TS Lê Quý Đức hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần của Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông cho rằng, việc phát ấn là do một số người bịa ra nhằm mục đích cá nhân. Ngày xưa, việc khai ấn chỉ đơn giản như cơ quan hành chính khai xuân làm việc ngày đầu năm mới.

Thế nhưng càng ngày lễ hội càng phản ánh đúng bản chất của xã hội chúng ta. Đó là một xã hội còn nhiều kẻ chạy chức chạy quyền, tham ô vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước và nhân dân.

Theo ông Đức, nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần, tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức. Bởi vậy, đã đến lúc cần loại bỏ nó đi.

Bảo Lam

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vi-sao-le-phat-an-den-tran-vao-nua-dem-khong-duoc-khoi-phuc-143867.html