Vì sao lao động trẻ hay 'nhảy việc'?

Với mong muốn tìm được môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, xu hướng thay đổi chỗ làm việc liên tục đang diễn ra trong lớp trẻ.

Đào tạo kỹ thuật cho sinh viên tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Đào tạo kỹ thuật cho sinh viên tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Hai năm “nhảy việc” 3 lần

Chuyển việc là mong muốn chính đáng của nhiều lao động trẻ, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, có nhiều nghề cũ mất đi và nhiều công việc mới ra đời. Tuy nhiên, “nhảy việc” đã trở thành hiện tượng phổ biến trong giới trẻ, kể cả những người đang làm việc tại DN lớn có mức lương cao. Chúng tôi gặp Nguyễn Thanh Vân - tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh khi cô đang tìm kiếm cơ hội tại một ngày hội tuyển dụng ở Hà Nội. Đáng nói Vân đang làm việc tại DN bất động sản thu nhập lên tới 20 triệu đồng/tháng. Vân chia sẻ: "Khi mới tốt nghiệp, em chọn công việc không liên quan đến ngành học để thử sức mình nhưng do không thích bị quản lý nên một thời gian ngắn là nghỉ việc. Em làm công việc thứ hai được 7 tháng nhưng phải đi công tác liên tục, không còn thời gian nghỉ ngơi. Công việc thứ 3 đang làm khá thoải mái nhưng nếu làm lâu sẽ bị trì trệ và không có cơ hội phát triển”.

Lao động trẻ cứ thấy khó khăn lại nghỉ việc để tìm việc làm mới, rất khó bền. Vì thế, các trường trong quá trình đào tạo rất cần giáo dục cho người học ý thức trách nhiệm với công việc, lúc đó năng suất lao động mới cải thiện.

Chủ tịch Tập đoàn King Broker Trịnh Nguyên Tuấn Anh

Tương tự, Nguyễn Văn Vững đang làm tại một công ty dược phẩm cho biết cũng đã “nhảy việc” 3 – 4 lần kể từ khi tốt nghiệp đại học được 3 năm. “Tôi đã mất khá nhiều thời gian nhưng vẫn chưa tìm thấy công việc phù hợp. Công việc không có gì mới để học thêm, thậm chí khiến mình ì đi, trong khi môi trường làm việc khắt khe, soi mói đời tư”.

Trao đổi về câu chuyện “nhảy việc” của giới trẻ, ông Nguyễn Huỳnh Đạt – Quản lý thương hiệu Unilever tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đa dạng các ngành nghề, giới trẻ có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, nếu tần suất “nhảy việc” khá nhiều sẽ khiến nhà tuyển dụng dị ứng và không có cái nhìn thiện cảm. Ông Trần Tiến Đạt – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bất động sản Times Pro nhìn nhận, việc giới trẻ “nhảy việc” là câu chuyện mưu sinh tuy nhiên cũng có những điều bất lợi khi xin việc mới. “Với những vị trí chạy thị trường, cần người trẻ năng động, chúng tôi không cân đo tuyển người luôn “nhảy việc”. Nhưng các vị trí quan trọng ở DN, khi nhìn vào hồ sơ thấy các bạn chuyển việc quá nhiều trong thời gian ngắn, chúng tôi sẽ loại ngay” – ông Đạt cảnh báo.

Văn hóa doanh nghiệp giữ chân lao động trẻ

Phân tích nguyên nhân khiến nhiều lao động trẻ “nhảy việc”, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Chủ tịch Tập đoàn King Broker đưa ra hai lý do. Một là, DN không đáp ứng được kỳ vọng của các bạn trẻ về môi trường làm việc, mức lương không thỏa đáng. Hai là, chính các bạn trẻ không đảm bảo các yêu cầu của DN nên tự chán nản. Ở Tập đoàn King Broker, có những công việc thu nhập lên tới 30 – 40 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có người bỏ vì không yêu nghề. Trong trường hợp này, các bạn đi tìm việc khác là tốt. Nhưng do không chịu nổi guồng quay công việc, bị sếp mắng, đồng nghiệp chạm tự ái mà “nhảy việc” là suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Biết rằng, một người có thể làm được ở nhiều công việc khác nhau nhưng có lĩnh vực họ thành công nhất. Vì thế, các chuyên gia tuyển dụng cho rằng, nhà trường, gia đình và DN cần đồng hành với các lao động trẻ. Điều này cũng dễ hiểu khi các DN đang có xu hướng đặt hàng đào tạo để khi người học tốt nghiệp vào DN làm việc ngay.

Đồng quan điểm này, ông Trần Tiến Đạt đặt vấn đề, để giỏi trong công việc, quan trọng là người lao động kiên trì và đam mê với ngành nghề đó. Hiện nay, nhiều lao động trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, yếu về chuyên môn. Vì thế, điều cần nhất là văn hóa DN để có thể níu chân lao động trẻ. DN không chỉ tạo cho người trẻ thu nhập cao mà cần có cả tình cảm của các thành viên trong đội, cùng nhau trải nghiệm. Nắm được vấn đề này, hiện nay, nhiều DN đang hướng đến tính tập thể, làm việc theo nhóm, cùng nhau hưởng thành quả để giữ chân lao động trẻ, kể cả trong lúc triển khai dự án gặp khó khăn.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-lao-dong-tre-hay-nhay-viec-359238.html