Vì sao lại xử kín vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy?

Theo các luật sư, do gia đình bé gái bị sàm sỡ trong thang máy không yêu cầu khởi tố vụ án và để bảo mật thông tin cho bị hại nên phiên tòa được xử kín.Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: 'Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai'.

Theo dự kiến, ngày 25/6 tới đây, ông Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) bị xét xử về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, phiên tòa sẽ xử kín.

Thẩm phán Nguyễn Hải Nam (Phó chánh án TAND quận 4) làm chủ tọa.

Nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy lại được xử kín. Ảnh: Zing.vn

Nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy lại được xử kín. Ảnh: Zing.vn

Trước đó, ngày 22/5, ông Linh bị truy tố về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 6 tháng đến 3 năm tù.

Về phía bị hại, cáo trạng của VKS quận 4 thể hiện trong quá trình điều tra, truy tố, gia đình cháu bé không yêu cầu bồi thường, không yêu cầu khởi tố vụ án nên không xem xét phần dân sự.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc tại sao một vụ việc gây chấn động dư luận như vậy lại không xét xử công khai, việc xử kín liệu có hợp tình hợp lý?

Trả lời về vấn đề này, trao đổi với báo Tổ Quốc, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết, đáng lẽ ra các vụ dâm ô trẻ em sẽ được xét xử công khai bình thường, tuy nhiên vụ của ông Nguyễn Hữu Linh là một trường hợp đặc biệt, bởi gia đình bị hại không yêu cầu khởi tố, người nhà và bé gái là nạn nhân cũng sẽ không có mặt tại phiên tòa. Vì vậy, để bảo mật thông tin cho bị hại thì phiên tòa được xử kín là hợp lý.

"Nhưng theo luật, nếu trong trường hợp xử kín vụ này, thì sau đó phần tuyên án sẽ vẫn phải công khai, cơ quan truyền thông, báo chí và người dân vẫn có thể có mặt tại phiên tòa để nghe tuyên án", luật sư Nữ nói.

"Đây là một trường hợp đặc thù, lần đầu tiên tôi gặp phải, bởi bị hại không yêu cầu khởi tố, cũng sẽ không có mặt tại phiên tòa, vì vậy tôi cũng đã làm việc và tham khảo rất nhiều bên liên quan để rõ được việc vì sao phải xử kín", luật sư Nữ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng. Ảnh: Zing.vn

Cũng lên tiếng về vấn đề này, trả lời trên báo Tri Thức Trực Tuyến, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, vụ án này tòa quyết định xử kín là phù hợp với quy định pháp luật.

"Bị hại trong vụ án này là bé gái dưới 18 tuổi, là một chủ thể dễ bị ảnh hưởng ảnh tâm lý, nhất là đối với những án về tình dục. Nếu xét xử công khai sẽ nhận áp lực từ dư luận, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của bị hại", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Được biết, theo thông tin từ phía Chủ tọa phiên tòa, mặc dù tòa xét xử kín nhưng sẽ tuyên mức án công khai cho báo chí nghe và đưa tin.

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Khoản 2 Điều 423 luật này cũng quy định: “Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì tòa án có thể quyết định xét xử kín.”

Điểm d, khoản 1, Điều 7, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán: Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì tòa cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Nguyễn Phượng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vi-sao-lai-xu-kin-vu-nguyen-huu-linh-dam-o-be-gai-trong-thang-may-a279906.html