Vì sao lại liên tục điều chỉnh quy hoạch TP.Sầm Sơn?

Vừa phê duyệt quy hoạch TP. Sầm Sơn tháng trước, tháng sau, UBND tỉnh Thanh Hóa lại đồng ý đề xuất của một doanh nghiệp để điều chỉnh quy hoạch.

Quy định được điều chỉnh… linh động

Hệ quả của sự thay đổi “chóng mặt” kể trên là dù đang cùng chịu sự chi phối của Quyết định số 2525/QĐ-UBND về quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040 nhưng trong khi một số khách sạn đã thành hình, một số khác lại không được phép xây.

Theo người dân phản ánh nếu quy hoạch mở rộng Công viên biển thực thi thì những công trình tiền tỷ, hợp pháp này sẽ bị thổi bay.

Cụ thể, tháng 11/2017, UBND TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã từ chối cấp giấy phép xây dựng cho dự án khách sạn Ngân Hà 2 (phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn) do ông Bùi Xuân Thủy và bà Lê Thị Thủy đứng tên.

Điều đáng nói là dự án khách sạn Ngân Hà 2 hoàn toàn phù hợp với những quy định tại Quyết định số 2525 do ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký phê duyệt vào ngày 17/7/2017.

Trước đó, hàng loại khách sạn đã được UBND TP. Sầm Sơn cấp phép xây dựng dựa theo Quyết định số 5340/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu Quảng trường biển, phố đi bộ thị xã Sầm Sơn. Đây cũng là Quyết định do chính ông Nguyễn Đình Xứng ký duyệt vào ngày 18/12/2015.

Theo quan sát của phóng viên, dọc đường Hồ Xuân Hương, từ tượng đài Nguyễn Thị Lợi đến đầu đường Hai Bà Trưng (phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn) hàng loạt khách sạn cao tầng đã mọc lên như:

Khách sạn Vũ Phong 1 (11 tầng), khách sạn Rubi (12 tầng), khách sạn Sơn Trang 1 (10 tầng), khách sạn Cát Đại Lợi (10 tầng), khách sạn Long Thành 1 (10 tầng), khách sạn Thanh Bình Gold (15 tầng), KS Tiền Châu (7 tầng).

Nguyên nhân do đâu?

Câu hỏi đặt ra là, tại sao đột nhiên khách sạn Ngân Hà 2 lại bị UBND TP. Sầm Sơn từ chối cấp giấy phép xây dựng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, tròn một tháng sau khi ký Quyết định số 2525 về quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040, ngày 18/8/2017 ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại chấp thuận đề xuất của một doanh nghiệp, lập quy hoạch mới khu vực Quảng trường biển, phố đi bộ TP Sầm Sơn.

Người dân tại phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn bức xúc trao đổi vụ việc liên quan đến câu chuyện quy hoạch của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, có đất mà không thể xây dựng vì quy hoạch.

Trong khi đó, quy hoạch khu vực này đã được đề cập khá cụ thể, chi tiết tại Quyết định 2525.

Trong văn bản số 3699 ngày 10/11/2017 trả lời về đề nghị cấp Giấy phép quy hoạch dự án khách sạn Ngân Hà 2, của UBND TP.Sầm Sơn nêu rõ: Sở Xây dựng Thanh Hóa đề nghị UBND TP. Sầm Sơn không cấp giấy phép quy hoạch; giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực Quảng trường biển, phố đi bộ, TP. Sầm Sơn.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài khách sạn Ngân Hà 2 còn có rất nhiều dự án, kế hoạch kinh doanh khác của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn phường Trung Sơn cũng chưa thể triển khai được do không được cấp giấy phép xây dựng.

Được biết, trước đó, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có văn bản số 6150 gửi UBND TP. Sầm Sơn với nội dung: “Căn cứ thông báo số 220 của UBND tỉnh về việc kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh… về quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị sinh thái… trong thời gian lập, thẩm định, phê duyệt đề án quy hoạch nêu trên đề nghị UBND TP. Sầm Sơn, không cấp giấy phép quy hoạch; giấy phép xây dựng cho các dự án, công trình thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực Quảng trường biển, phố đi bộ”.

Sự vô lý, tự phủ định Quyết định số 2525 - văn bản pháp luận đang có hiệu lực của các cơ quan hữu trách tại Thanh Hóa đang gây ra rất nhiều bức xúc. Trao đổi với phóng viên, người dân tại phường Trung Sơn bức xúc cho biết:

Chỉ vì đề xuất của một doanh nghiệp mà không cấp phép cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp khác thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình là một điều hết sức vô lý. Chúng tôi nghi ngờ rằng, hành động này của các cơ quan hữu quan ở Thanh Hóa là nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm người, cho doanh nghiệp lớn mà bỏ qua quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi”.

Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư TP. Hà Nội khẳng định: “Quyết định 2525 do UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 17/7/2017 có tầm nhìn đến năm 2040 đến nay đang có hiệu lực, chưa có văn bản nào thay thế thì nó phải được tôn trọng, tuân thủ”.

Phê duyệt quy hoạch tháng trước, tháng sau đã muốn thay đổi; mới chỉ dừng lại ở chủ trương nhưng đã “nhanh nhẩu” hành động như kế hoạch đã được phê duyệt, từ chối cấp giấy phép xây dựng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, hoạt động kinh doanh và kế hoạch đầu tư của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; rõ ràng, việc người dân cho rằng đằng sau những hành động như vậy của các cơ quan hữu quan tại Thanh Hóa là những toan tính về lợi ích nhóm không phải là không có cơ sở.

Trương Tuấn

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//vi-sao-lai-lien-tuc-dieu-chinh-quy-hoach-tpsam-son_n33994.html