Vì sao kịch xiếc thăng hoa?

Mới lạ, đặc sắc và đậm dấu ấn văn hóa, sự sáng tạo là những gì mà khán giả đã cảm nhận được từ nhiều vở kịch xiếc ở nước ta thời gian gần đây đem lại. Trong bối cảnh văn hóa giải trí không ngừng được mở rộng, du nhập và có sự cạnh tranh khốc liệt nhưng kịch xiếc vẫn khẳng định được vị trí để vươn lên mạnh mẽ.

Lâu nay khán giả Việt thường biết đến nghệ thuật xiếc chứ ít ai để ý đến “kịch xiếc”. Ở nghệ thuật xiếc, người nghệ sĩ thường biểu diễn những động tác kỹ xảo “kỳ lạ”, những hành động “phi thường”, nhiều khi mang tính “nghịch thường” cho thấy những năng lực tiềm ẩn bên trong con người.

Vở kịch xiếc Teh Dar đậm bản sắc, văn hóa Tây Nguyên ra mắt khán giả tháng 7/2018

Tuy nhiên, kịch xiếc thay thế bằng việc biểu diễn đơn lẻ, tách rời như xiếc thông thường thì kết hợp thành một câu chuyện có nội dung, thông điệp nghệ thuật nhưng được thể hiện qua các phần biểu diễn tài tình, khéo léo, ma mị và sự mạo hiểm của nghệ sĩ xiếc trên sân khấu thông qua các đạo cụ, sự phụ trợ của âm thanh, ánh sáng...

Thực tế cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây cũng như hiện tại, nhiều vở kịch xiếc đã đến với công chúng và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Tháng 7/2018 tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ đã trình diễn vở kịch xiếc Teh Dar tới khán giả. Teh Dar là hóa thân mãnh liệt của văn hóa Tây Nguyên trên sân khấu đương đại, đưa khán giả vào không gian ma mị của những cuộc săn voi, đêm trăng hò hẹn, rừng già ẩn sự chết và tái sinh.

Vở kịch xiếc này tạo ấn tượng mạnh mẽ với người xem bởi có sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật xiếc như đu dây, nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, cùng nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng của nghệ sĩ hòa trong âm thanh, ánh sáng huyền ảo, ấn tượng.

Và ấn tượng nhất là trường đoạn sử dụng mặt nạ gỗ – vật tín ngưỡng trong nhiều lễ hội, lễ cúng của người Ê Đê được các nghệ sĩ mang lên sân khấu biểu diễn. Âm nhạc trong kịch xiếc Teh Dar cũng đậm đà bản sắc núi rừng Tây Nguyên với tiếng cồng chiêng, tiếng trống dồn dập đánh thức thiên nhiên, thôi thúc sự sinh sôi, đâm chồi nở hoa, mùa màng tươi tốt.

Trước đó, chương trình kịch xiếc À Ố show do nhóm tác giả Tuấn Lê, Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân Maurice và Nguyễn Tấn Lộc thực hiện đã nổi tiếng trong và ngoài nước. À Ố show là chương trình kịch xiếc đặc biệt, thông qua nghệ thuật xiếc, với đạo cụ chủ yếu là cây tre và chiếc thúng làm từ tre nứa, các nghệ sĩ liên tục biến hóa, sáng tạo, dẫn người xem dạo qua các vùng quê Việt Nam từ dải cát trắng miền Trung, đến những đầm sen hiền hòa vùng sông nước miền Tây và những khung cảnh gần gũi của thành phố hiện đại.

Nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng của nghệ sĩ trong chương trình này được phối hợp hài hòa với yếu tố âm nhạc, kích thích trí tưởng tượng của người xem, từ đó, hòa mình vào không gian văn hóa Việt Nam. Với sức hấp dẫn, À Ố show từng biểu diễn ở các quốc gia khác như Pháp, Hy Lạp, Thụy Sỹ... và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với khán giả nước ngoài.

Nói đến kịch xiếc Việt mà không nhắc đến vở kịch xiếc Làng tôi do các nghệ sĩ Nguyễn Lân, Nhất Lý, Tuấn Lê, Tấn Lộc dàn dựng và biểu diễn khoảng thời gian gần đây sẽ là một thiếu sót. Làng tôi đã có hơn 300 suất diễn tại Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Đức, Hồng Kông để góp phần lan tỏa những giá trị tinh thần của người Việt đến với thế giới cũng như quảng bá bộ môn kịch xiếc với bạn bè năm châu.

Ở kịch xiếc Làng tôi, các nghệ sĩ đã tái hiện bức tranh làng quê Việt Nam bình dị đầy chất thơ bằng kỹ thuật xiếc hoàn toàn mới với cây tre – linh hồn của vở diễn cùng các pha tung hứng và dàn nhạc gồm hơn 20 loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc.

Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội chương trình kịch xiếc Đi cùng năm tháng vào ngày 27/7 nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Kịch bản và đạo diễn của chương trình này do NSƯT Tống Toàn Thắng thực hiện, NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo nghệ thuật.

Được biết, kịch xiếc Đi cùng năm tháng có màn mở đầu là hoạt cảnh đồng đội với giai điệu bài hát “Bác cùng chúng cháu hành quân” rồi đến các tiết mục khác như: xiếc dây thép chùng, tung hứng tập thể, đu dây lụa. Các tiết mục trong chương trình kịch xiếc này được lồng ghép khéo léo để thể hiện và làm nổi bật chủ đề xuyên suốt của chương trình.

Không chỉ có các vở kịch xiếc trên, nhiều chương trình kịch xiếc phục vụ các em nhỏ vào dịp hè những năm gần đây và hiện tại đã chinh phục được khán giả nhí. Trong đó nổi bật có các chương trình kịch xiếc Rừng xanh và muông thú, Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Alibaba và 40 tên cướp, Đám cưới chuột, Xứ sở phù thủy và chàng trai dũng cảm, Huyền thoại xứ Ai Cập, Tarzan cùng những người bạn...

Với sự kết hợp giữa kịch và xiếc có nội dung, cốt truyện, khán giả nhỏ tuổi xem kịch xiếc không chỉ được thưởng thức nghệ thuật biểu diễn đơn thuần mà còn được giáo dục về lòng dũng cảm, hiếu thảo, tình yêu thương gia đình, đồng loại... Với nhiều chương trình, vở kịch xiếc có chất lượng, vừa có tính giải trí và thông điệp nghệ thuật kể trên, công chúng cũng như giới làm nghề tự tin rằng kịch xiếc Việt trong tương lai sẽ lan tỏa mạnh mẽ và phát triển rực rỡ hơn nữa.

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/vi-sao-kich-xiec-thang-hoa-78453.html