Vì sao khủng bố IS vẫn 'sống khỏe' dù bại trận?

Trong một bài viết mới đây, tờ The Atlantic cho rằng, cho dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại trên thực địa nhưng điều đó cũng chưa thể giúp loại bỏ hết nguy cơ, nhất là khi năng lực tài chính của tổ chức này vẫn còn rất lớn. Bài viết thậm chí còn khẳng định: 'Đừng nghĩ rằng IS sẽ sớm phá sản'.

Theo The Atlantic, tại khu vực Trung Đông lâu nay vẫn tồn tại một hệ thống giao dịch phi chính thức có tên là hawala. Hệ thống này được sử dụng để chuyển tiền mặt qua lại tại những nơi mà hệ thống ngân hàng không hoạt động hoặc tính phí quá cao. Theo đó, khách hàng giao tiền mặt và cung cấp mật khẩu cho một đối tượng thuộc hệ thống hawala. Đối tượng này sẽ đưa cho khách hàng thông tin liên lạc của một đầu mối hawala tại khu vực mà họ muốn chuyển tiền đến. Bất cứ ai đọc đúng mật khẩu sẽ được đầu mối đó trao lại số tiền mà khách hàng đã chuyển. The Atlantic cho biết, các dự án do Mỹ hoặc Anh tài trợ đã sử dụng hệ thống hawala để chuyển hàng triệu USD vào Syria. Trong khi các tổ chức cứu trợ nhân đạo dùng hawala để trả lương cho nhân viên, những người Syria làm việc ở nước ngoài cũng sử dụng hệ thống này để gửi tiền về nước cho người thân. Với hệ thống hawala, tiền mặt được chuyển đi khắp Trung Đông mà không xác định được thông tin người gửi, người nhận hay mục đích sử dụng. Cũng nhờ đó, IS có thể chuyển hàng triệu USD mỗi tuần một cách dễ dàng.

 Các tay súng IS và thân nhân đầu hàng tại làng Baghouz-nơi cố thủ cuối cùng của chúng tại miền Đông Syria, hôm 12-3. Ảnh: Reuters.

Các tay súng IS và thân nhân đầu hàng tại làng Baghouz-nơi cố thủ cuối cùng của chúng tại miền Đông Syria, hôm 12-3. Ảnh: Reuters.

Theo The Atlantic, tuy rằng các phần tử IS đã bị quét sạch khỏi nơi cố thủ cuối cùng ở miền Đông Syria, nhưng đế chế tài chính của tổ chức khủng bố này vẫn còn đó. Các chuyên gia ước tính IS vẫn có thể tiếp cận hàng trăm triệu USD và sử dụng nhiều chiêu thức để dòng tiền liên tục chảy vào túi của chúng. Nguồn tài chính dồi dào chính là nguy cơ thực sự bởi nó giúp IS níu giữ lòng trung thành của những phần tử cốt cán để gieo rắc nỗi kinh hoàng bằng các vụ tấn công khủng bố trong những năm tới.

The Atlantic cho rằng việc IS bị đánh bại trên thực địa khiến tổ chức khủng bố này gặp nhiều khó khăn hơn để kiếm tiền từ việc khai thác các mỏ dầu ở Iraq, Syria và tiền thuế của người dân sống dưới ách cai trị của chúng. Đây là hai nguồn thu chính từng đem lại cho IS gần 1 triệu USD mỗi ngày, biến chúng trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Thế nhưng, việc mất lãnh thổ từng chiếm đóng lại “giải thoát” IS khỏi những khoản chi phí tốn kém để xây dựng “caliphate” (vương quốc Hồi giáo), cho phép chúng dốc toàn lực cho hoạt động khủng bố. The Atlantic dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, dầu mỏ vẫn là nguồn thu quan trọng với IS. Dù không còn kiểm soát các mỏ dầu, nhưng một nguồn thu chính của IS là bảo kê mạng lưới vận chuyển dầu khắp Trung Đông. Chuyên gia kinh tế cao cấp Howard Shatz của Trung tâm Nghiên cứu chính sách RAND Corporation (Mỹ) khẳng định, IS đang ngồi trên đống tiền mà chúng kiếm chác được trong những năm qua: “Theo chúng tôi biết, chúng đã tích lũy được những khoản tiền mặt khổng lồ cùng các tài sản khác. Chúng tôi không biết tất cả số tiền đó đã đi đâu”.

Theo The Atlantic, một phần trong số tiền đó có vẻ đã được IS đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại hợp pháp. Hồi tháng 10 năm ngoái, trong các cuộc đột kích nhằm vào những doanh nghiệp có liên hệ với IS tại thành phố Erbil, lực lượng an ninh Iraq đã phát hiện nhiều tài liệu cho thấy IS đầu tư vào đủ thứ, từ bất động sản cho tới buôn bán xe ô tô. Điều hành những doanh nghiệp này là các đối tượng hợp tác với IS không phải vì cùng chung hệ tư tưởng mà vì lợi nhuận.

Những khu vực bị chiến tranh tàn phá của Syria và Iraq chính là cơ hội để IS “hồi sinh” những chiêu thức kiếm tiền vốn từng được al-Qaeda sử dụng trước kia. The Atlantic cho biết, trong giai đoạn 2008-2012, khi al-Qaeda ở Iraq chuyển sang hoạt động bí mật, chúng chẳng khác nào mafia “nẫng tay trên” các hợp đồng xây dựng, đặc biệt là tại thành phố Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh ở miền Bắc Iraq; đánh cắp hàng hóa rồi đem bán lại; bắt cóc để tống tiền các gia đình giàu có. Chỉ riêng tại tỉnh Nineveh, al-Qaeda đã “bỏ túi” được gần 1 triệu USD mỗi tháng từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009.

So với al-Qaeda, The Atlantic cho rằng hiện IS còn có nhiều thuận lợi hơn hẳn. Việc tái thiết những khu vực bị tàn phá ở miền Bắc Iraq do cuộc chiến chống IS đòi hỏi một số tiền rất lớn. Trong khi cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ 30 tỷ USD, Chính phủ Iraq ước tính phải cần tới 88 tỷ USD cho công cuộc tái thiết đất nước. Việc bơm nguồn tiền khổng lồ như vậy sẽ là cơ hội để IS kiếm chác nhờ vấn nạn tham nhũng của nhiều quan chức địa phương. Bên cạnh đó, IS hiện đang nắm trong tay những tập hồ sơ chứa thông tin chi tiết của 7-8 triệu người dân Iraq và Syria từng sống dưới ách cai trị của chúng. Đây chính là một công cụ hiệu quả để IS thực hiện thủ đoạn tống tiền. “Nếu bạn từng sống ở khu vực do IS kiểm soát, chúng sẽ nắm rõ địa chỉ, mức thu nhập và ngành nghề của bạn. Chúng có thể tới gặp một doanh nhân và nói: “Anh chắc là rất tự hào về con trai mình. Sẽ thật đáng tiếc nếu có chuyện không hay xảy ra với nó”, chuyên gia Howard Shatz cho biết.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vi-sao-khung-bo-is-van-song-khoe-du-bai-tran-570992