Vì sao không 'truất' lương hưu cán bộ bị kỷ luật?

'Lương hưu xây dựng trên quan hệ đóng - hưởng, không thể nào tính chuyện cắt lương hưu khi kỷ luật cán bộ vi phạm lúc đương chức'.

Đó là lý giải của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng liên quan tới quy định mới về xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu nhưng có sai phạm từ khi còn đương chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Bizlive

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Bizlive

Cụ thể, khi trình bày về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại phiên công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua và sắp có hiệu lực, ông Thăng cho biết: "Mọi hành vi vi phạm của những người đã nghỉ hưu, thôi việc trong thời gian giữ các chức vụ đều xử lý theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử hình sự hoặc hành chính hoặc xử kỷ luật”.

Các hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo và xóa tư cách chức vụ. Đi kèm với đó là một số hệ quả pháp lý, gồm cả vật chất và tinh thần, nhưng cụ thể như thế nào luật giao Chính phủ quy định cụ thể.

Đối với đề xuất "truất" lương hưu vĩnh viễn của cán bộ đã về hưu nhưng có vi phạm khi còn đương chức, ông Thăng cho rằng lương hưu xây dựng trên quan hệ đóng - hưởng, không thể nào tính chuyện này được.

Tuy nhiên, theo ông Thăng, có thể xem xét một số quyền lợi gắn với chức vụ đó như khám chữa bệnh, khen thưởng như trong thời gian giữ chức vụ có bằng khen, huân chương thì kỷ luật. Đó cũng được xem là một hình thức kỷ luật cả về vật chất và tinh thần.

Ông Thăng cho rằng, đối với cán bộ có vi phạm nhưng đã nghỉ hưu thì kỷ luật về tinh thần là quan trọng nhất vì đây là danh dự, tư cách chức vụ.

Do đó, Bộ Nội vụ cần phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương để xem các chế độ đối với cán bộ về hưu có sai phạm, ví dụ như chế độ khám chữa bệnh hay chế độ xe công.

"Việc này, luật giao Chính phủ quy định cụ thể. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức TƯ để xem xét sao cho hợp lý”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trước đó, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chính sách liên quan đến xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

ĐBQH đề xuất truất lương hưu cán bộ sai phạm nghỉ hưu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Với lý do trên, trong luật quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

An An (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vi-sao-khong-truat-luong-huu-can-bo-bi-ky-luat-3393487/